XIN RA KHỎI HỘ NGHÈO, ĐẢNG VIÊN MIỀN NÚI THẮP SÁNG NGỌN LỬA THOÁT NGHÈO TRONG LÒNG DÂNBài 2: Xin ra khỏi nghèo hộ nghèo, Đảng viên thắp lửa ý chí vượt khó
Thứ năm, 15:00, 23/06/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Chuyện đảng viên làm đơn xin thoát nghèo không chỉ lan tỏa, tác động đến cuộc sống người dân mà còn góp phần thắt chặt tình cảm giữa Đảng và dân, củng cố niềm tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng trên hành trình xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Xã vùng cao Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là nơi có nhiều đồng bào Rục sinh sống. Cách đây hơn 60 năm, người Rục ở tỉnh Quảng Bình sống biệt lập trong rừng sâu Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lấy hang đá làm nơi ở và cuộc sống dựa vào săn bắt hái lượm.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người Rục ở Quảng Bình được Bộ đội Biên phòng và địa phương đưa về định cư tại bản Ón, cuộc sống phụ thuộc trợ cấp của Nhà nước. Vài năm gần đây, tại bản nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình này đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Ông Trần Xuân Vinh ở bản Ón đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo cách đây 4 năm. Ông Vinh chia sẻ, nhiều người nói tôi sao mà dại, nhà nước cho hộ nghèo mà sao lại viết đơn xin ra làm gì. Tôi nói nhà nước cho tôi nhiều rồi, mình phải suy nghĩ khác đi , không ỷ lại vào Nhà nước. Nhà nước còn lo bao nhiêu việc và còn nhiều người khác nữa. Mình phải tự thân vận động mà vươn lên.

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, từ 2 bàn tay trắng, đến nay ông Trần Xuân Vinh đã có trang trại 10 héc ta rừng trồng, cứ 5 năm khai thác một lần, nguồn thu từ 300 đến 400 triệu đồng. Trang trại nuôi bò, lợn của gia đình ông lúc nào cũng có hàng chục con để bán, đủ tiền trang trải cuộc sống. Hiện tại, ông Vinh còn tạo công ăn việc làm cho 10 người dân trong bản, thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng mỗi người.

Mô hình chăn nuôi gia trại của ông Trần Xuân Vinh, bán Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Trong bản nhỏ trên đỉnh núi cao này hiện có hơn 150 hộ dân sinh sống cũng đã có nhiều gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Từ chỗ sống tách biệt trong những hang đá giữa rừng già, đối diện với nguy cơ bị tuyệt chủng, giờ đây đồng bào Rục đã tự tin hòa nhập cộng đồng, cuộc sống ngày càng no đủ.

Trung tá Phạm Văn Phương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, bà con đã dần thay đổi nhận thức tự vươn lên thoát nghèo. Hiện, những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo viết bằng tay được lưu giữ tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Liệu có phải hàng loạt lá đơn này mang tính hình thức, chỉ vì áp lực thành tích thoát nghèo mà cán bộ thôn, xã vận động người dân viết Đơn xin thoát nghèo? Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình khẳng định, không có chuyện vận động gì ở đây. Bởi, tiêu chí hộ nghèo rất rõ ràng, nếu không đủ tiêu chí, không có cơ sở thoát nghèo mà gợi ý dân viết đơn thoát nghèo thì dân sẽ kiện. Trường hợp hộ có đơn nhưng hoàn cảnh vẫn còn khó khăn thì vẫn giữ lại diện hộ nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình thoát nghèo bền vững.

Những căn nhà lụp xụp, tạm bợ được thay bằng căn nhà khang trang, kiên cố.

Quan điểm của địa phương là khuyến khích bà con tự vươn lên làm ăn thoát nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích. Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện của người dân chứ không có chuyện cán bộ thôn, cán bộ xã đến vận động để ép buộc người dân xin thoát nghèo. Kể cả chúng tôi ở cấp huyện cũng rất bất ngờ từ những lá đơn của bà con. Thực sự rất xúc động khi bà con tự vươn lên và tự xin ra khỏi hộ nghèo.

Còn ở tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ dân miền núi đã thoát nghèo nhờ học hỏi những mô hình sản xuất hiệu quả của các đảng viên tại địa phương. Năm 2018, từ thành công mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng của các đảng viên, huyện miền núi cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tổ chức nhân rộng mô hình này đến từng thôn bản.

Anh Phan Nguyên Thiện ở thôn 2, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là hộ nghèo, quanh năm lên nương xuống rẫy vẫn không đủ ăn. Được sự giúp đỡ của các đảng viên trong Chi bộ thôn 2, anh Phan Nguyên Thiện tham gia trồng cây ba kích. Từ chỗ làm thuê trong vườn ươm cây giống, dần dần anh Thiện thành thạo với kỹ thuật trồng và chăm sóc. Năm 2019, anh Thiện mạnh dạn vay vốn trồng gần 3 héc ta cây ba kích, đến nay mỗi năm xuất bán gần 200kg ba kích mang về thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng.

Tại hầu hết các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, ô tô có thể về tận thôn, nóc xa xôi.

Anh Thiện cho biết, trong thời gian tôi đi làm mướn, được tận mắt chứng kiến cây ba kích phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Nhờ kinh nghiệm thực tiễn cùng với sự hướng dẫn tận tình của các đảng viên, 2 năm qua tôi đã trả hết nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi nghĩ rằng, cây ba kích này sẽ giúp đời sống của người dân chúng tôi ấm no.

Mỗi địa phương có những mô hình, cách làm hay về giảm nghèo bền vững. Huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phát động phong trào “3 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giúp đỡ 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, trong đó đề cao tinh thần nêu gương của đảng viên.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã quán triệt quan điểm nêu gương đến từng Chi bộ, đảng viên. Không thể thực hiện dàn trải mà phải chọn các mô hình điểm, trong đó các hộ gia đình cán bộ, đảng viên làm tốt thì sẽ lấy đó làm hạt nhân, làm mô hình, tổ chức phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho những người tham gia thoát nghèo.

Bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi  muốn có cái nhìn trực quan, từ những người trong làng đã thành công và có sự quan tâm giúp đỡ, thấy cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, có trách nhiệm với nhân dân thì họ sẽ tin tưởng và làm theo.

Thời gian qua phong trào Đảng viên tham gia phát triển kinh tế lan tỏa sâu rộng ở các địa phương. Thực tiễn này khẳng định tính đúng đắn về phát huy vai trò của Đảng viên trong cộng đồng nói chung và Đảng viên người dân tộc thiểu số ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đã xuất hiện rất nhiều tấm gương Đảng viên làm kinh tế giỏi, đi đầu trong phong trào làm kinh tế và xoá đói giảm nghèo bền vững. Những Đảng viên này trực tiếp làm ra nhiều sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đỡ các hộ nghèo cùng vươn lên thoát nghèo:

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, xoá đói giảm nghèo là một nội dung rất quan trọng, gắn với phát triển xã hội vùng đồng bào dân tộc và là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đảng viên đóng vai trò hạt nhân cả trong tổ chức Đảng cơ sở cộng đồng. Với vai trò như vậy nên những Đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu,“Đảng viên đi trước làng nước theo sau” trong các phong trào xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng các đời sống  văn hoá mới ở vùng dân tộc thiểu số./.

 

Nhóm PV VOV miền Trung

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC