Phan Hòa là một trong 3 xã có đông đồng bào Chăm của tỉnh. Đây cũng là địa phương có sự chuyển biến khó rõ nét so với các địa phương đồng bào Chăm khác ở tỉnh Bình Thuận. Phan Hòa là một xã thuần nông, nhưng có trên 50% số hộ khá, giàu. Thu nhập bình quân đầu người là 33,6 triệu đồng/người/năm. Trên 65% số hộ dân tham gia thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: trang bị máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp, nhằm giảm chi phí, công lao động và giảm thất thoát sau thu hoạch, thu nhập ổn định.
Đồng bào Chăm đóng góp xây đền Po Patao At với kinh phí trên 1 tỷ đồng
Xã có hơn 20 ngàn hecta đất trồng lúa, năng suất đạt 7 tạ/ha, hơn 70 hecta đất trồng thanh long, sen lấy hạt... Những năm qua, chính quyền đã có nhiều chính sách đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, cải thiện nhà ở gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới tạo động lực nâng cao toàn diện đời sống đồng bào Chăm.
Nhân dân xã Phan Hòa góp công, góp của cùng với chính quyền địa phương xây dựng 3 nhà văn hóa cộng đồng tại 3 thôn người Chăm; xây đền Pô Patao Át theo kiến trúc tháp Chăm, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 30/4/2018 tới… Công trình này hoàn thành, giúp đồng bào có nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, góp phần sớm đưa Phan Hòa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các xã Phan Hiệp và Phan Thanh, thuộc huyện Bắc Bình, và các xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, không chỉ khởi sắc từ căn nhà tươm tất, con đường thẳng tắp, có nơi sinh hoạt tôn giáo mà qua phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... đã làm thay đổi trong cách nghĩ cách làm của bà con Chăm. Xã Phan Thanh được xem là "đất học", ở đây tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Có nhiều con em đồng bào Chăm đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trở về địa phương làm việc.
Đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận có trên 7 ngàn hộ, chiếm 3,26% dân số toàn tỉnh, hầu hết sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với du lịch cộng đồng tại các xã Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp của huyện Bắc Bình. Nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được tỉnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Đời sống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận hôm nay đã đổi thay nhiều, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%.
Thúy Linh/VOV-TP.HCM
Viết bình luận