Nâng cao năng lực cán bộ trong chương trình 135 ở Thanh Hóa
Thứ tư, 00:00, 29/11/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Chương trình 135 thực hiện ở tỉnh Thanh Hóa, một trong những hiệu quả rõ nét là hợp phần đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản.
 

Nếu như trước đây, sự phân cấp, trao quyền khi thực hiện chương trình 135 ở Mường Lát được đánh giá là còn hạn chế, trình độ năng lực của cán bộ cấp xã chưa đủ để đánh giá, thẩm định hồ sơ, phải nhờ qua tư vấn, thì nay, nhờ hợp phần đào tạo cán bộ, huyện đã mạnh dạn giao cho cấp xã làm chủ nhiều công trình có số vốn dưới 1 tỷ đồng, như các kênh mương nội đồng, đường giao thông liên thôn liên bản, nhà văn hóa, nhà ở của giáo viên, phòng học…

Các xã vừa làm, vừa được tập huấn, vừa rút kinh nghiệm. Đối với các xã có đủ năng lực thì làm chủ đầu tư 100% nguồn vốn. Còn xã năng lực hạn chế thì giao các công trình có quy mô, nguồn vốn nhỏ hơn 500 triệu đồng. Việc “trao tay công trình” được tiến hành từng bước, có sự giúp đỡ từ các phòng ban của huyện.

Ông Phạm Văn Tôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, Mường Lát, cho biết: Hàng năm xã cử 3-4 cán bộ đi học trường ở tỉnh Thanh Hóa và trung ương. Trước đây chưa được đào tạo bồi dưỡng, anh em chỉ làm theo chỉ đạo của địa phương, không có bài bản, làm việc rất khó khăn, thường nằm ỳ lại cấp trung gian giữa xã và bản. Nhưng nay có đổi mới về cách thức làm việc, thời gian cho công việc, đội ngũ cán bộ được học qua trường lớp về rồi, vừa học vừa làm thì có đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, trồng cây gì nuôi con gì cụ thể, rõ ràng.

Nhận dự án về, Đảng ủy, HĐND, UBND các xã đều bàn bạc, thống nhất; các hộ dân được tham gia bình xét và tự quyết định lựa chọn hướng sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình và địa phương.

Như ở xã Pù Nhi, mô hình trồng vầu không mất công chăm sóc, lại cho thu hoạch cao hơn nứa, luồng từ 7-10 lần nên được bà con lựa chọn. Hay mô hình chuyển từ cây sắn cây ngô sang trồng rừng ở xã Trung Lý. Huyện giao chỉ tiêu mỗi năm hơn 400 ha diện tích trồng rừng mà địa phương đều hoàn thành vượt chỉ tiêu. Từ đó ổn canh ổn cư, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây hợp chất đất vào….

Ông Giàng Seo Vảng, trưởng bản Khằm 2, chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ cho giống mới, bà con chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm sản xuất. chúng tôi thấy giống lúa này rất phù hợp với đồng đất địa phương, cho năng suất cao. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước để đời sống bà con tốt hơn.

Tiếp tục thực hiện chương trình 135 giai đoạn mới (còn gọi là dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), Mường Lát tập trung hỗ trợ giống cây con và vật tư phương tiện, trồng rừng, giống lúa năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực, rà soát lại giảm 30% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, nâng mức thu nhập của người dân từ 18 triệu lên 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Lương Văn Tưởng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 100 xã và 181 thôn đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc phối hợp với các ban ngành liên quan và các huyện để tổ chức tập huấn 34 lớp với 3.383 học viên, số học viên tham gia đạt 97% theo kế hoạch. Trong đó có 3 lớp là chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính, 31 lớp học viên là bí thư chi bộ thôn, cán bộ chi hội nông dân, cán bộ ban mặt trận và chi hội cựu chiến binh thôn. Nội dung tập huấn tập trung vào 6 chuyên đề: tuyên truyền chính sách của Đảng Nhà nước về giảm nghèo nhanh bền vững các xã 135, công tác vận động chính sách giảm nghèo, quản lý tài chính chương trình 135 giai đoạn 2016- 2020, thực hiện quy trình giám sát có vai trò của cộng đồng, một số vấn đề về bình đẳng giới…

 Theo đại diện Đại sứ quán Ai-len, đơn vị tài trợ chính của chương trình 135, chính quyền cấp xã không đảm đương làm chủ đầu tư các công trình tức là cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ chưa hoàn thành. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giúp xã nâng cao nâng cao năng lực. Giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu 100% số xã tham gia chương trình 135 đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư, nhằm phát huy dân chủ từ chủ trương, lựa chọn công trình tới huy động sự tham gia của nhân dân. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức, thực hiện của UBND cấp xã.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC