Đặt gánh cỏ vừa mới cắt ngoài ruộng xuống sân, mồ hôi vẫn còn lấm tấm trên khuôn mặt rám nắng, chị Pi Năng Thị Hón, ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) hồ hởi khoe: Từ ngày được chương trình 135 hỗ trợ tiền mua bò nuôi xoay vòng, thấy cuộc sống vui hẳn lên. Cả nhà tất tả chăm bò, nhiều khi còn ra tận chuồng để ngắm, nhìn thấy bò phát triển và đẻ bê con, cả nhà mừng lắm.
Không chỉ riêng mình vui mà cả gia đình cùng vui, bởi con bê con đó là thành quả đầu tiên mà gia đình có được. Hộ cùng dự án sẽ nhận bò mẹ, lại nuôi nấng sinh sản rồi chuyển. Cứ thế, chẳng mấy chốc, chị Hón cùng những người chăn nuôi sẽ có cả một đàn bò.
Chị Hón bảo, chả bao giờ mình mơ là mình có hẳn một con bò, bởi trước đây nếu muốn dùng sức kéo , gia đình phải đi thuê. Nay có bò, có bê, kinh tế gia đình ngày càng ổn định
Người dân ở Phước Đại nhận bò nuôi xoay vòng. Ảnh: VP
Gia đình chị Pinăng Thị Ganh, thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, là hộ nghèo của thôn, cũng được dự án hỗ trợ bò cùng kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, gia đình chị cũng đã có một con bê con sau 1 năm chăm sóc bò dự án. Có bò, có tiền, chị đã có vốn làm ăn, nuôi nấng con cái ăn học.
Ông Chamaléa Ong, Chủ tịch UBND xã Phước Đại, cho biết: Chương trình 135 đã có những tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ sản xuất, rồi nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng. Chỉ tính riêng việc hỗ trợ chăn nuôi bò xoay vòng cho 60 hộ trong xã, thì cả 60 hộ đều thoát nghèo. Hiện, xã chỉ còn hơn 400 hộ nghèo trong tổng số hơn 1.000 hộ.
Nhiều gia đình ở Phước Đại đã thoát nghèo nhờ chương trình 135. Ảnh: VP
Theo ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Ninh Thuận, việc hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 10 triệu là rất quý, nhưng nếu có được thêm vốn, khi đó mỗi hộ mua được một con bò 20 triệu thì sẽ có thêm nhiều hộ khác được hưởng lợi từ nguồn vốn này.
Ông Chamaléa Ong, Chủ tịch UBND xã Phước trăn trở: bên cạnh thành quả đã đạt được, cũng có một số khó khăn trong việc triển khai. Nếu có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cơ quan, ban ngành liên quan, thì hiệu quả của chương trình sẽ nhanh và bền vững hơn.
Hiện nay, vấn đề giải ngân nguồn vốn dự án 135 theo Luật Đầu tư công còn chậm so với tiến độ. Tuy nhiên, Bác Ái đã từng bước tháo gỡ khó khăn này. Ông Lê Thanh Hùng cho biết: “Về cơ bản đã trình đầy đủ văn bản pháp lý, chỉ chờ HĐND tỉnh để quyết định mức hỗ trợ sản xuất rồi giải ngân thôi. Bác Ái, riêng 2015-2016, vốn hỗ trợ sản xuất mỗi năm một xã là 300 triệu. Khả năng trước 15/12 thì UB tỉnh sẽ có quyết định, các phương án đã có hết rồi, sẽ giải ngân trong 15 ngày cuối tháng 12”.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận