Sập cầu treo, dân Tà Lài ngóng cầu bê tông
Thứ hai, 00:00, 18/12/2017 Hải Huyền bt bài + 2 ảnh Hải Huyền bt bài + 2 ảnh
​VOV4.VN - Một năm sau khi cầu Tà Lài ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai, bị sập, việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Giao thương cách trở, đời sống sinh hoạt, học tập bị đảo lộn. Dân ngóng một cây cầu.


Dân thấp thỏm đi phà

Tà Lài mưa. Con sông trương nước cuồn cuộn qua làng. Đứng bên này sông dõi sang, ấp 4, Tà Lài như 1 ốc đảo.


Hiện trạng cầu treo tại ấp 4, xã Tà Lài 

Cầu treo sập gần 1 năm, xác vẫn dầm dưới nước, chỉ có con phà cọc cạch chở người. Giữa lòng sông mênh mông, những vòng nước xoáy sâu hun hút như muốn nuốt chửng con phà khiến tay lái oằn mình bẻ hướng.

Phà chạy lòng vòng 20 phút mới tới nơi. Thanh niên vít ga phóng lên bờ, đám học sinh lục tục dắt xe tìm khoảng trống. Gần 20 con người trên chuyến phà qua sông, tuyệt không một ai mặc áo phao.

Ông Ka Luận, trưởng ban mặt trận ấp 4, vẫn nhớ như in hình ảnh con phà mới đây thôi bị lật chìm nghỉm dưới sông do quá tải. Mọi người nháo nhào nhảy sông thoát thân. May là gần bờ nên không ai bị nước cuốn.

“Gần đây nhất là phà chở xe tải lật. Hên là gần bờ sông. Cái lần thứ 2 đang chạy giữa lòng sông rồi tắt máy, gây xôn xao cho những người đi phà. Các em học sinh với người dân đi lại nhiều. Điều đó rất nguy hiểm. Người dân rất khao khát sớm khắc phục cây cầu” - ông Luận nói.

Mặc dù ngay sau khi xảy ra sập cầu treo Tà Lài tháng 11/2016, UBND huyện Tân Phú đã bố trí 2 chiếc phà, đồng thời trợ giá phí đi lại, nhưng sinh hoạt của người dân vẫn có nhiều bất tiện. Không chỉ chở người, nông sản, hai chiếc phà này còn vận chuyển xe ba gác máy, xe tải.

Cứ hình dung, người dân sẽ ra sao nếu vụ lật phà kia diễn ra giữa dòng nước xoáy?!


Dân thấp thỏm đi phà đợi cầu treo

Sản phụ mất con…

Tà Lài nằm ở lõi rừng Nam Cát Tiên. Chiếc cầu treo là lối đi duy nhất của hơn 400 hộ dân người Mạ, Stiêng ở ấp 4, qua lại làm ăn, sinh sống. Nếu trước kia còn cầu, người dân chỉ cần vài phút chạy xe máy hoặc đi bộ thì nay, cảnh đợi phà, qua sông cả tiếng chẳng khác nào người dân thành phố tắc xe. 

Chuyện đám học sinh bị muộn giờ lên lớp, rồi bị phạt xảy ra như cơm bữa. Như em Ka Kiệt, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Tà Lài vừa mới bị phạt quỳ trên lớp, đi dọn vệ sinh cuối tuần vì tội trễ giờ. Em ngượng ngùng: “cũng chỉ vì đợi phà, đông quá mình không chen nổi nên lỡ chuyến”.

Dân Tà Lài nghèo, cả năm trông chờ vào vụ chuối và những hoa màu khác. Muốn đem nông sản đi tiêu thụ, người dân phải “bao” thêm phí vận chuyển. Còn không, lái thương ép giá, người dân nuốt nước mắt vào trong vẫn phải gật đầu đồng ý. Từ chối, đồng nghĩa với việc nông sản ách tụ, thối, hỏng, mối, mọt… cả vụ mùa coi như đi tong.

“Riêng cầu treo lúc trước nói tháng 7 là khởi công trục vớt, tháng 8, tháng 9 cũng vậy mà cũng không thấy. Qua tháng 10 rồi. Nó bất tiện cho bà con ở đây về cái đau bệnh, rồi mùa màng, thu nông sản. Nông sản rớt giá, bà con khó khăn” – ông Ka Luận thở dài.

Rớt nước mắt khi bát cơm bị chia đi phân nửa, nỗi bất an về bệnh tật, đau ốm những lúc nguy cấp lấy đi sinh mạng của người dân lại ùa về. Cô cháu gái của ông Ka Yếu ở ấp 4 này đã mất đứa con trong một ca sinh khó.

“Cầu sập rất là mất mát cho đồng bào vì đó là phương tiện duy nhất của chúng tôi. Nhiều khi đêm hôm bệnh hoạn không có cầu, phải qua đò. Mà qua đò phải mất cả tiếng. Mới đây là cháu ruột đó, sanh thì nó đau ở nhà. Qua phà, rồi đi xe hon đa tới bệnh viện mất hai tiếng đồng hồ. Đợi phà cả tiếng đồng hồ, lúc 2 giờ đêm. Phà họ cũng đưa mình không lấy tiền, nhưng đi xong tới bệnh viện sanh không được, phải mổ. Mổ xong đứa bé mất. Từ đây đến bệnh viện khoảng 20km”.

Chủ tịch UBND xã Tà Lài Nguyễn Phú Phú Khánh chia sẻ, dù đã có 2 chiếc phà vận chuyển, nhưng vẫn không thể đảm bảo đi lại cho bà con trong những giờ cao điểm. Điều mong mỏi của người dân thời điểm này là có một cây cầu để ổn định đời sống.


“Sẽ xây cầu bê tông thay cầu treo”


Từ thực tế tại ấp 4, xã Tà Lài, cuối tháng 9/2017, ông Đỗ Khắc Giáp, Chánh văn phòng UBND huyện Tân Phú, cho biết: UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phương án xây cầu bê tông thay cho cầu treo bị đứt. Dự kiến trong quý IV – 2017 sẽ xây dựng cầu mới.

“Cái này là công trình trọng điểm Đồng Nai đã xin Bộ GTVT. Hiện nay, toàn bộ thiết kế và đấu thầu đã xong, đang đấu thầu cầu treo nó bị sập. Sau đó, cho đơn vị trúng thầu trục vớt lên tiến hành khởi công xây dựng. Dự kiến tháng 10, tháng 11 cũng khởi công rồi”.

Tuy nhiên, ngày 4/12, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, khẳng định: “Huyện đang bố trí mấy cái phà cho dân đi lại, hỗ trợ đồng bào không thu phí qua phà. Chủ trương của tỉnh cho đầu tư một cây cầu bê tông, cốt thép với kinh phí tương đối lớn khoảng 80 tỷ thì hiện nay đang lập hồ sơ để mời thầu”.

Thông tin từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, cây cầu được đầu tư bằng ngân sách địa phương do UBND huyện Tân Phú làm chủ đầu tư. Đầu năm 2018 cây cầu mới này sẽ thi công, xây lắp.

Người dân Tà Lài cứ ngóng trông bao giờ cho đến quý IV để được tận mắt thấy cây cầu được khởi công. Giờ lại thêm thông tin đến tận đầu năm sau mới thực hiện. Một số người dân Tà Lài thở dài tâm sự: Liệu cầu có được khởi công như dự kiến không hay lại bị “treo” rồi?!

 

 

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC