Tây Bắc đầu tư vào nông nghiệp để xóa đói nghèo bền vững
Thứ năm, 00:00, 08/02/2018
VOV4.VN - Các tỉnh Tây Bắc đã giành được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nhiều mô hình mới đang được Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái nhân rộng. Cơ cấu kinh tế toàn vùng chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế đặc thù.

 

Bức tranh xuất khẩu nông sản của Sơn La năm nay có thêm những gam màu mới, khi lần lượt xoài, nhãn và chanh leo được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính như Úc, Mỹ và Pháp. Kết quả này đã tạo nên sự đột phá trong chuyển hướng phát triển nông nghiệp và đem lại sự lạc quan, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp ở Sơn La.

Sơn La có trên 41 nghìn héc ta cây ăn quả, hình thành một số vùng nguyên liệu nông sản chủ lực như cây ăn quả, cà phê, chè, mía… với 47 chuỗi sản xuất an toàn, với sản lượng cung ứng ra thị trường hàng năm đạt trên 7.200 tấn, tổng doanh thu ước đạt gần 195 tỷ đồng. Đây chính là tiềm lực dồi dào, là tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, xóa nghèo bền vững.

Chanh leo được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Pháp

Năm 2017 là năm thứ 2 tỉnh Yên Bái thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tổng kinh phí nguồn lực cho Chương trình năm 2017 đạt gần 3.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 1.019 tỷ đồng; nguồn vốn khác là trên 771 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo như: chính sách bảo hiểm y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo hiện của tỉnh chỉ còn 21,97%.

Hơn 8.000 hộ dân của tỉnh Lào Cai đã thoát nghèo, tương ứng với 5.6%. Tỷ lệ giảm nghèo của Lào Cai trong năm 2017 cao nhất trong 5 tỉnh khu vực Tây Bắc. Việc đầu tư cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã bố trí vốn đầu tư đạt 65 đến 70%  trọng tâm là 2 chương trình Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh những chương trình giảm nghèo đã có, năm 2018 và những năm tiếp theo, chính sách giảm nghèo tại các tỉnh Tây Bắc được xác định hướng tới việc tạo điều kiện để người nghèo có ý thức tự vươn lên, phấn đấu tự thoát nghèo, đặc biệt là cần có những chính sách mang tính đột phá. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng giao thông đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn để khắc phục những hạn chế cách trở về tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, thúc đẩy việc giao lưu trong xã hội.

 

 

 

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC