Mạng xã hội đưa thổ cẩm Jrai vươn xa
Thứ tư, 15:57, 04/01/2023 Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Dùng thổ cẩm Jrai để may những bộ trang phục cách tân và quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội, chị Rmah H’Tuyết (ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tìm thấy hướng khởi nghiệp của riêng mình, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Jrai.

Cửa hàng thổ cẩm ở tổ 10, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện cũng đồng thời là xưởng may của chị H’Tuyết. Đây cũng là một “phòng thu”, nơi chị ghi hình những clip về công việc và sản phẩm của mình, rồi đăng trên trang Facbook cá nhân. Chị H'Tuyết huy động những thiếu nữ Jrai mặc trang phục thổ cẩm mẫu để quảng bá. Nhờ vậy, trang facebook của chị H’Tuyết và các sản phẩm của chị đã được chú ý. Mỗi tháng, từ kênh này chị có được từ 70 đến 100 đơn hàng.

Chị H’Tuyết cho biết: Tôi tiếp nhận thông tin từ facebook, Zalo để học tập từ các chị em ở các nơi khác như Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum...Nhờ có mạng xã hội giúp tôi học tập thêm để nâng cao tay nghề. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều người biết đến nhắn tin và đặt hàng, không chỉ có khách hàng trong nước mà còn nhiều khách hàng nước ngoài.

Hơn 10 năm trước, khi thổ cẩm Jrai thuần truyền thống bị lấn át bởi các trang phục mới, chị H’Tuyết đã nảy ý tưởng dùng thổ cẩm cắt may thành những trang phục hiện đại để tìm chỗ đứng cho sản phẩm này. Ban đầu, chị chỉ may cho mình mặc khi đi làm, nhưng những sản phẩm lạ mắt này đã được nhiều người yêu thích.

Năm 2013, chị H’Tuyết nhận được đơn hàng đầu tiên là 50 bộ thổ cẩm cho học sinh trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện. Tiếp sau đó là các cô giáo trong trường đặt may áo dài thổ cẩm. Dần dà, bà con trong thị trấn Phú Thiện đặt may váy, áo để trưng diện trong những dịp cưới hỏi, thôi nôi, tiệc tùng,… Bà Siu H’July- một khách hàng quen thuộc của chị H’Tuyết cho biết: Trang phục dân tộc Jrai dệt truyền thống rất lâu. Giờ có chị H’Tuyết sử dụng máy móc, cách may trang phục theo dáng người, mặc dễ chịu và thoải mái. Trước đây may theo truyền thống chật chội, không theo ý muốn của mình. Giờ đi chơi, lễ hội đều mặc đồ thổ cẩm. Ông bà cha xưa cho mình những nét đẹp văn hoá của người Jrai. Mình nên giữ lại những nét truyền thống đó để con cháu sau này.

Với mức giá sản phẩm từ 400 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/1 sản phẩm, nhờ việc bán trang phục thổ cẩm Jrai, chị H’Tuyết đảm bảo được thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 thợ may trong thị trấn. Điều khiến chị hạnh phúc nhất là nhu cầu vải dệt thổ cẩm từ xưởng may nhỏ của chị cũng đã giúp nhiều nghệ nhân ở các xã lân cận như Ia Sol, Chư A Thai duy trì được nghề dệt những lúc nông nhàn. Tháng 11/2022, huyện Phú Thiện đã chọn sản phẩm may mặc thổ cẩm của chị H’Tuyết trưng bày trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP được tổ chức ở Hà Nội.

Ông Đinh Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện cho biết thêm: Thời gian vừa qua thì cửa hàng thổ cẩm của chị Rmah H’Tuyết ở tổ dân phố 10 đã phát triển và hoạt động hiệu quả, góp phần chung sức cùng địa phương chúng tôi quảng bá thương hiệu sản phẩm của người bản địa. Tôi tin tưởng rằng, sắp tới sản phẩm của  chị Rmah H’Tuyết sẽ được trưng bày tại Hà Nội, tạo ra niềm tin về bản sắc của người bản địa Tây Nguyên chúng tôi tới tất cả bạn bè trên toàn quốc. Chúng tôi cũng coi đây là sản phẩm tạo công ăn việc làm để phát triển kinh tế, tạo động lực để bà con dân tộc thiểu số nơi đây phát triển ngành nghề thổ cẩm truyền thống.

Với việc ứng dụng mạng xã hội, liên tục đổi mới trong quảng bá, giới thiệu, chị Rmah H’Tuyết ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã thể hiện tình yêu của mình đối với trang phục truyền thống Jrai một cách sáng tạo, phù hợp với xu hướng sử dụng của khách hàng. Từ đó, chị đã góp phần nhỏ bé để bảo tồn, quảng bá và đưa nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình vươn xa hơn nữa trong đời sống hiện đại../.

 

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC