Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ sản xuất theo đơn đặt hàng
Thứ sáu, 20:58, 05/02/2021 VP bt bài VP bt bài
VOV4.VN- Là địa phương có trên 42% dân cư là người dân tộc thiểu số K’ho, những năm trước, mặc dù xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đầu ra nông sản không ổn định nên đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn. 3 năm trở lại đây, nhận thấy việc liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị hàng hóa là xu thế tất yếu, Phú Hội đã nhanh chóng bắt nhịp và vận động người dân tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đến xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trong ngày đầu xuân, bất ngờ bởi những cánh đồng lúa hoang hóa ngày nào nay đã được phủ một màu xanh mơn mởn của rau và khoe sắc của nhiều loài hoa… Điều đó thể hiện đời sống của người dân nơi đây đã thật sự ấm no và phát triển đi lên từng ngày.

Anh K’Hoàng, người dân tộc thiểu số K’ho ở thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng cho biết, từ ngày tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác ở TP HCM, vấn đề đầu ra sản phẩm nông sản đã không còn là nỗi lo như trước. Vì trồng cà chua theo hướng sạch, sản xuất theo quy trình khép kín và tự động hóa nên mang lại giá trị kinh tế rất cao. Trong năm qua, bình quân mỗi ngày anh đều cung ứng cho thị trường trên dưới 150kg cà chua chất lượng cao, với giá bán 30.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Theo anh K’Hoàng, cùng với yếu tố năng suất và chất lượng sản phẩm, kết quả này có được chủ yếu nhờ vào việc sản xuất theo đơn đặt hàng.

K’Hoàng (áo xanh) và vườn cà chua canh tác theo mô hình liên kết sản xuất bền vững.

Không riêng anh K’Hoàng, chọn lối canh tác theo đơn đặt hàng, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đang được nhiều nông dân ở nơi đây coi trọng. Ông Ha Nan Tham My, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hội, huyện Đức Trọng cho biết, cả xã hiện có trên 780 hộ tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, củ, quả các loại với nhiều công ty, doanh nghiệp và HTX, 87% trong số đó có ký kết hợp đồng sản xuất theo hướng bền vững, chiếm 28% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhờ thay đổi nhận thức trong định hướng canh tác, chú trọng đến yếu tố thị trường và quy luật cung - cầu, nông sản làm ra đều bán với giá tốt nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên thấy rõ.

Sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, đầu ra ổn định đã góp phần đưa giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác của Phú Hội đạt bình quân 255 triệu đồng/ha/năm, tăng 55 triệu đồng/ha/năm so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Công Hinh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng cho biết, giờ đây toàn xã gần như không có lao động nhàn rỗi. Hộ nào cũng tự lực sản xuất, tích cực học hỏi kinh nghiệm trong canh tác để nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đại ngộ của nhà nước như trước nên tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm rất thấp chỉ còn 0,5%. Kết quả này là cả một quá trình chuyển biến nhận thức quan trọng trong nhân dân, nhất là sự định hướng đúng đắn trong chỉ đạo tổ chức sản xuất của cấp ủy và chính quyền địa phương.  

Phú Hội hiện có 6.700ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 2.700ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là điều kiện quan trọng để Phú Hội tiếp tục mở rộng thêm nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, trở thành hướng đi chủ lực để địa phương này vững bước phát triển đi lên, góp phần hoàn thành đúng mục tiêu là xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

VOV Tây Nguyên

VP bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC