Ngô rớt giá nên dân nghèo thành con nợ
Thứ hai, 00:00, 10/10/2016

(VOV) - Ngô rớt giá thê thảm do giá ngô nhập khẩu vào Việt Nam rất thấp, trong khi đất đai ngày càng bạc màu, suất đầu tư để trồng ngô khá cao khiến người trồng ngô, đặc biệt là các hộ dân nghèo ở Sơn La, không chỉ lao đao mà còn trở thành con nợ.




 

Ngô rớt giá, người trồng ngô mất đất

 

Chỉ cách trung tâm xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn chưa đầy 10 km, nhưng để đến bản Nà Nhụng, vừa đi bộ vừa đi xe máy cũng phải mất gần 1 tiếng. Chỉ có cánh lái xe máy bản địa mới dám leo lên, trượt xuống những đoạn đường này. Mới nhìn tuyến đường này, chúng tôi đã ái ngại cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của bà con. Dọc đường, những đồi ngô đã vàng úa, nhưng bà con chưa thu hoạch. Anh lái xe giải thích bà con đợi xem giá cả thế nào, vì hiện tại ngô rớt giá thê thảm.

 

Đồi ngô đến kì thu hoạch

 

5 năm gán đất cho chủ đầu tư, gia đình chị Lò Thị Pản ở bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn, chỉ còn 1 ha đất trồng ngô và ít ruộng cấy lúa. 5 năm trước, chồng chị đi "cắm" nợ giống, phân bón của chủ đầu tư để trồng ngô. Nay, chủ nợ đến đòi 70 triệu đồng. Tiền không có, tài sản không, không còn cách nào khác, chị gán 3ha đất trồng ngô cho chủ nợ trong vòng 8 năm để họ xóa nợ. Nhà chỉ còn 1 héc ta đất để trồng cấy, thu hoạch không được nhiều, nên chẳng đủ ăn.

 

Các hộ dân bản Nà Nhụng chia sẻ với PV về các khoản nợ chủ đầu tư

 

Vay để trồng ngô thông qua hình thức cắm nợ từ giống cho đến phân bón, từ năm 2011, ông Lò Văn Mầng, bản Nà Nhụng, cũng không thoát khỏi cảnh tương tự gia đình chị Pản. Ông cho biết: Đầu tư trồng 1 héc ta ngô phải từ 13-15 triệu đồng, thu hoạch từ 4,5-5 tấn. Giá ngô bắp hơn 2.000đ/kg như hiện nay, mỗi héc ta ngô lỗ từ 2-3 triệu đồng, chưa kể công lao động cả mấy tháng trời. Ông cũng như bà con trong bản đều phải vay tư thương để đầu tư trồng ngô. Cứ vay 1 tạ gạo, đến vụ trả 1 tấn ngô, nếu không trả hết thì tính lãi suất từ 2,5-3%/tháng. Không chỉ dừng ở vay để trồng ngô, nhà có việc ma chay cưới xin, ông đều tìm đến các chủ đầu tư để vay tiền. Năm này qua năm khác, nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình ông phải gán cả đôi bò cho chủ nợ. Vậy mà đến nay, nợ vẫn chồng chất lên đến gần 130 triệu đồng.

 

Dân bản Nà Nhụng lo lắng vì các khoản nợ chủ đầu tư

 

Xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, là xã biên giới, có 19 bản, với 1.552 hộ, trong đó dân tộc Xinh Mun chiếm 76%. Xã có tới 1.050 hộ nghèo. Ông Lù A Dủa, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, cho biết: Tình hình cho thuê đất diễn ra từ nhiều năm nay. Cho tới thời điểm này, tổng số hộ cho tư thương thuê lại đất để canh tác là 239 hộ. Người dân cho thuê lại đất vì nhiều lý do. Thứ nhất là nợ chủ đầu tư không trả được, phải cho họ thuê trong thời hạn thỏa thuận; thứ 2, vì đất bạc màu, canh tác không hiệu quả, không có vốn đầu tư sản xuất; thứ 3 là do gia đình thiếu lao động…

 

Ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận: Người dân vay nợ thành phong trào. Các hộ trong bản đều vay. Vay không chỉ để đầu tư trồng ngô, lúa mà vay để cưới xin, mua sắm vật dụng trong nhà. Trồng ngô đến vụ thu hoạch không trả đủ nợ, nên bà con cứ nợ nần năm này qua năm khác và trở thành con nợ khó đòi. 

 

Ngô loại, không bán được, chất đống trong góc nhà

 

Dọc quốc lộ 6, nơi vựa ngô của Sơn La, gia đình bà Hoàng Thị Điêu, ở bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, cũng không thoát nghèo sau bao năm lăn lộn, gắn bó với cây ngô. Gia đình có hơn 1 héc ta đất trồng ngô, mỗi vụ đầu tư từ 17-18 triệu để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Cuối vụ thu từ 6-7 tấn nếu được mùa. Với giá ngô như hiện nay thì vừa đủ tiền đầu tư. Nhưng theo bà Điêu, nếu không trồng ngô thì cũng không biết trồng cây gì vì đất dốc, không thể canh tác được gì.

 

Đất bạc màu, năng suất thấp, giá ngô hạ sâu, do ngô nhập về Việt Nam giá thấp, người trồng ngô Sơn La loay hoay với bài toán tiếp tục trồng hay "chia tay" với loài cây từng cứu đói cho bà con. Nếu cứ trồng, nợ nần nguy cơ sẽ chồng chất, còn nếu không thì cây gì sẽ thay thế để bà con có thu nhập?

 

 

Bài tiếp: “Bài toán thoát nghèo cho dân trồng ngô”.

 

 

Lan Thùy/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC