(VOV) - Dệt thổ cẩm là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo người con gái Thái. Ngày nay, nghề dệt không còn thịnh, song người Thái ở Sơn La vẫn coi những sản phẩm thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của mình.
"Nhinh hụ dết phải, trai hụ san he" có nghĩa là "gái biết làm vải, trai biết đan chài" - đây là câu nói dường như người Thái nào cũng thuộc. Nhiều đời nay, người Thái vẫn coi thêu thùa, dệt vải là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo của người con gái. Khi về nhà chồng, mỗi cô gái thường dành tặng bố mẹ chồng những bộ chăn đệm đẹp nhất tự tay mình dệt để tỏ lòng kính trọng.
Khung dệt của người Thái. Ảnh: BP
Bà Hà Thị Thưởng, ở phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, cho biết: "Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú, có đến hơn 30 hoa văn, họa tiết, hoa đực hoa cái, con trống con mái, đất trời cùng vạn vật hòa hợp".
Những hình thoi quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, những chùm hoa buông dài, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo... Tất cả như một thế giới thu nhỏ. Thổ cẩm dệt truyền thống của người Thái dùng đến lúc sờn, vải hỏng, nhưng các đường nét hoa văn vẫn còn đẹp. Còn nếu vải dệt bằng thiết bị công nghiệp thì chỉ dùng vài lần đã có hiện tượng xô vải, bạc màu.
Khăn piêu của người Thái Đen ở Sơn La. Ảnh: BP
Tổ dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Nậm La (thành phố Sơn La) do chị Cà Thị Thỏa thành lập hiện có hơn 10 lao động. HTX đầu tư 10 khung dệt vải, 2 máy khâu, nguyên liệu, trị giá trên 200 triệu đồng. Các chị chia thành các nhóm dệt vải theo từng sản phẩm như đệm, gối, chăn, áo dài truyền thống. Năm ngoái, sản phẩm thổ cẩm của HTX Nậm La đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Sơn La có tiềm năng phát triển, góp phần lưu giữ văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, người làm nghề này chỉ hoạt động nhỏ lẻ. Nghề dệt thổ cẩm thủ công lại đang đứng trước sự cạnh tranh mẫu mã, giá thành của các sản phẩm dệt công nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: "Năm tới, chúng tôi trình tỉnh có kế hoạch hỗ trợ thiết bị máy móc, tổ chức các lớp dạy nghề tốt hơn, nâng cao được tính cạnh tranh, chất lượng của sản phẩm để đưa ra thị trường".
Nếu kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại thì sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái ở Sơn La sẽ có chỗ đứng trên thị trường. D
Hồng Việt/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận