Thổ cẩm Thái trở thành hàng hóa
Thứ tư, 00:00, 08/03/2017

VOV4.VN - Người Thái ở miền Tây Nghệ An quan niệm người phụ nữ nào giỏi nghề canh cửi mới được xem là tài hoa, vẹn toàn nữ công gia chánh. Thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu, đã đi khắp chín châu mười mường, được xuất sang thị trường Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ.


Khắp bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, rộn tiếng thoi đưa và tiếng lách cách của hàng trăm khung dệt. Mỗi khi đi làm đồng về, chị Lang Thị Hồng lại tranh thủ ngồi vào khung cửi. Con gái lớn lên ai cũng phải biết dệt thổ cẩm, như thế mới là con gái Thái, chính vì vậy, cả bản Hoa Tiến, ai cũng biết dệt thổ cẩm.

 

Chị Lang Thị Hồng mệt mài bên khung dệt

 

Chị Lang Thị Hồng nói: "Trước đây thì mẹ bày cho dệt thổ cẩm, nhưng nay có tổ dệt thổ cẩm bày thêm nên chị em ai cũng biết dệt, tăng thêm thu nhập cho gia đình mỗi tháng 5 - 6 triệu đồng".

 

Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm chỉ để phục vụ cho nhu cầu của bản thân, gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Nhận thấy thế mạnh văn hóa Thái, tỉnh Nghệ An, mà đặc biệt là các huyện có đông đồng bào Thái sinh sống, đã xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng, vừa để bà con có thu nhập từ các sản phẩm thổ cẩm.

 

Cánh đồng của bản Hoa Tiến với những cọn nước

 

Những sản phẩm của bà con đã trở thành mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu, đã đi khắp chín châu mười mường, được xuất sang thị trường Lào, Thái Lan, Trung Quốc  và Ấn Độ.

 

Ông Lô Văn Tịnh, Bí thư Chi bộ bản Hoa Tiến 2, cho biết cả bản có đến 80% số hộ tham gia dệt thổ cẩm.

 

Cũng như bản Hoa Tiến, nhiều bản mường tại các huyện Con Cuông, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương của tỉnh Nghệ An đã hình thành các làng nghề thổ cẩm với hàng trăm chị em tham gia.

 


Quốc Khánh/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC