Độc đáo lễ hội Katê của đồng bào Chăm tái hiện tại làng văn hóa
Thứ ba, 15:12, 21/02/2023 Lâm Thanh/VOV4 Lâm Thanh/VOV4
VOV4.VOV.VN - Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo tôn giáo đạo Bàlamôn được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Dam… và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.
Tái hiện nghi thức rước y trang

Lễ hội Kate thường diễn ra vào tháng 7 lịch Chăm, rơi vào hạ tuần tháng 9 dương lịch hoặc thượng tuần tháng 10 dương lịch.

Katê diễn ra tại 4 địa điểm. Ngày đầu tiên cúng thần trên tháp, ngày thứ hai cúng tại nhà cả sư – tức người có quyền tối cao trong tôn giáo Bà La Môn. Ngày thứ 3 cúng trong làng và ngày thứ 4 cúng trong gia đình.

Tuy nhiên, trước đó người Chăm sẽ làm lễ đón rước y trang của nhà vua do người Raglai giữ.

Thành ngữ của người Chăm có câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei”. Nghĩa là người Chăm là người chị cả còn người Raglai con gái út trong gia đình.  

Theo quy định của luật tục, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phượng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phượng ông bà, tổ tiên và thần linh.

Do vậy khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang do người Raglai chuyển về lại các đền tháp Chăm. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể.

Sau khi y trang đưa về đến tháp, các chức sắc tôn giáo Bà La Môn sẽ làm các nghi lễ cúng. Và từ đó, Katê diễn ra trong suốt một tháng 7 của Chăm lịch.

Ở Ninh Thuận, quá trình tổ chức lễ hội Katê của người Chăm tại Ninh Thuận diễn ra ở 3 đền tháp trong cùng ngày, cùng giờ. Đó là đền tháp Po Nagar thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước; tháp Po Klông Garai (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang – Tháp Chàm và tháp Po Rome thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Còn tại Bình Thuận, lễ Ka tê được diễn ra tại tháp Pô Sah Inư phường Phú Hài, TP.Phan Thiết) với nhiều phần lễ truyền thống và phần hội độc đáo mang đậm văn hóa dân gian Chăm.

Vừa qua, trong sự kiện “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn đến từ Ninh Thuận đã tái hiện lại trích đoạn lễ hội Katê trong không gian quần thể tháp Chăm, giới thiệu nghệ thuật gốm Bàu Trúc, nghề dệt Mỹ Nghiệp, trình diễn dân ca dân vũ.

Lâm Thanh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC