Lễ Kỷ niệm do Bộ NNN&PTNT phối hợp với Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.
Với chủ đề "Văn hóa thưởng thức cà phê”, Lễ kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam năm nay được tổ chức tại tỉnh Gia Lai nhằm đánh giá quá trình hình thành, phát triển của ngành cà phê thế giới nói chung, cà phê Việt Nam nói riêng.
Lễ Kỷ niệm cũng nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị, hình ảnh cà phê Việt Nam, khẳng định vai trò vị trí quan trọng và sự đóng góp của ngành cà phê Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
(Lễ Kỷ niệm nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị, hình ảnh cà phê Việt Nam - Ảnh: VOV)
Đây cũng là dịp để giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây nguyên trong sản xuất, chăm sóc cà phê; tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu; các cửa hàng cà phê được nhiều người yêu thích trong tổng số hơn 26.000 quán cà phê trên cả nước.
(Đây cũng là dịp để giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây nguyên - Ảnh: VOV)
Từ năm 1975 đến nay, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị trường.
Đến cuối năm 2018, cả nước có gần 690 nghìn ha cà phê, năng suất bình quân 26 tạ/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới, sản lượng xuất khẩu đạt 1,88 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Cùng với sự cần cù, sáng tạo của người dân, sự năng động các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ cà phê, đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước sản xuất cà phê chưa được biết đến, vươn lên vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành sản xuất cà phê nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn như: tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định và thiếu bền vững, các hình thức liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ; ngành cà phê còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước biến động của điều kiện khí hậu và thị trường tiêu thụ.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, trong thời gian tới ngành cà phê tập trung triển khai một số giải pháp như: ổn định diện tích cà phê khoảng 600 nghìn ha vào năm 2025; phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến; nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái cà phê; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh thâm canh, tưới nước tiết kiệm.
Giải pháp tiếp theo là khuyến khích sản xuất cà phê có truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại; thực hiện việc liên kết vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10 tháng 12 là Ngày cà phê Việt Nam. Từ đó đến nay Ngày cà phê Việt Nam đã được tổ thành công tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và để lại nhiều ấn tượng cho người dân địa phương, du khách và bạn bè quốc tế./.
Công Bắc/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận