Nghi lễ nông nghiệp của người Chăm Ninh Thuận
Thứ hai, 00:00, 18/12/2017 Việt Phú BT CT Việt Phú BT CT
VOV4.VN - Các nghi lễ dân gian của người Chăm xoay quanh chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Có lễ khai mương, đắp đập, lễ cầu an, lễ hạ điền, lễ dựng chòi cày, lễ mừng các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, hay lễ chém trâu... Tất cả nói lên khát vọng về một vụ mùa tốt tươi với mưa thuận gió hòa và một cuộc sống đủ đầy.

 

Ông Quảng Văn Đại, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nói rằng, trước khi người Chăm tiến hành canh tác thì công việc đầu tiên phải làm là chọn ngày tốt, ngày may mắn. Có như thế mùa màng mới “thuận buồm xuôi gió”. Thường là vào hai ngày thứ tư và thứ bảy, nhưng phải là ngày chẵn, ngày không kỵ thì mới cúng được.

Khi đã chọn được ngày lành tháng tốt thì công việc tiếp theo là  xin các vị thần linh được cày cấy trên thửa ruộng của gia đình, họ tộc. Theo quan niệm của người Chăm, ở thửa ruộng đó còn có thần linh cai quản, do vậy trước khi cày bừa thì họ phải thực hiện nghi lễ xin phép thần linh, thổ công của khu đất đó. Gọi là nghi lễ xuống cày.

Sau khi xin các vị thần linh, người cai quản khoảnh ruộng xong, thì việc tiếp theo là làm lễ trộm cày. Nghe nói đến từ “trộm”, người ta có thể nghĩ ngay đến một hành động xấu, nhưng theo ông Đại thì không phải như vậy. Nghi lễ này để mà xin Yang phù hộ độ trì để xuống cày, gieo hạt.

Ông Quảng Văn Đại cho biết, trong toàn bộ các lễ nghi nông nghiệp đều phải có sự tham gia của các vị chức sắc và thầy cúng. Lễ vật không thể thiếu là dê, rượu và hoa quả.

Trong chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa thì khi lúa ra đòng là giai đoạn quan trọng nhất, tác động đến năng suất thu hoạch. Do vậy, ở thời điểm này, người Chăm chú ý đến việc cầu cúng. Họ quan niệm: hồn lúa cũng như hồn người. Lễ vật cúng là 1 con dê, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau… Chủ tế lễ là thầy Kadhar kéo đàn Rabap, tương tự như đàn nhị của người Kinh.

Thầy Kadhar vừa kéo đàn Rabap vừa mời các vị thần và hát  những bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần, Mẹ Po Inư Nưgar đã dạy người Chăm trồng lúa và hát ngợi ca các vị thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame đã đem nước về cho dân làng tưới tiêu. Đến khi chuẩn bị thu hoạch, người Chăm lại tiến hành nghi lễ chặn nguồn nước.

Công đoạn thu hoạch có lẽ đối với cư dân nông nghiệp nào cũng là thời điểm vui sướng nhất, bởi thành quả lao động đã được đền đáp. Người Chăm sẽ tiến hành “cúng cơm lúa mới”. Những hạt lúa mẩy nhất, đẹp nhất, thơm nhất được lựa chọn để dâng cúng các vị thần, thể hiện sự biết ơn các vị thần đã giúp đỡ con người làm nên những mùa vụ tốt tươi.

Toàn bộ những nghi thức này đều do thầy cúng thực hiện, gia chủ chỉ nghe và thực hiện theo đúng chỉ dạy. Việc trả công cho thầy cúng thì tùy vào đồ lễ mà biếu thầy.

 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC