Lên vùng biên lập nghiệp đã nhiều năm, gia đình chị Lê Thị Hẹ, ngụ ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi được xem là một trong những hộ khó khăn của huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Chồng chị Hẹ bị tật bẩm sinh, không có khả năng lao động, gia đình chỉ có 2 công đất ruộng, gánh nặng kinh tế và việc nuôi con ăn học gần như đặt toàn bộ lên đôi vai của chị Hẹ.
3 năm trước, nhờ tham gia tổ góp vốn xoay vòng theo vụ lúa, chị bốc thăm được số tiền gần 50 triệu đồng, về đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Giờ đây khi đã thoát diện hộ nghèo, có nhà cửa ổn định và đủ thu nhập để lo cho 2 con ăn học, anh chị lúc nào cũng trân trọng cơ hội từ số vốn đã nhận được, xem đó là động lực vươn lên, đồng thời tiếp tục tham gia tổ góp vốn để giúp đỡ cho các chị em phụ nữ khác.
Ảnh minh họa
Thời gian đầu mới thành lập, cứ sau một vụ lúa, chị em mỗi người góp từ 1 đến 2 triệu đồng, nay đã tăng lên từ 3 đến 5 triệu đồng/người để hỗ trợ vốn cho 1 đến 2 chị em có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển kinh tế. Số hội viên tham gia cũng tăng từ 12 người lên có thời điểm gần 40 người. Số vốn 1 hội viên nhận được có thời điểm lên đến trên 70 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn mà những hộ nghèo ở vùng biên giới có thể tiếp cận được mà không phải trả bất kì tiền lãi suất nào.
Những hội viên được nhận vốn đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò, mua phân bón, cải đạo đất trồng lúa, hoặc buôn bán nhỏ, trồng rau màu. Nhờ vậy mà đời sống ngày càng khấm khá hơn. Tỉ lệ hộ nghèo ở ấp Cỏ Quen cũng ngày một giảm bền vững, ít trường hợp tái nghèo. Đến nay tổ đã giúp cho trên 20 lượt hội viên có vốn thoát nghèo bền vững.
Ảnh minh họa
Kết quả này có được, trước hết nhờ vào uy tín cá nhân của cô Văn Siêu Cuội - tổ trưởng tổ vay vốn, người đứng ra thành lập tổ vay vốn theo vụ lúa đầu tiên của phụ nữ huyện Giang Thành. Cô đã trực tiếp nêu gương góp vốn nhưng không nhận suất bốc thăm mà nhường lại cho chị em hội viên. Cô cũng động viên, giám sát các chị em đã nhận vốn thì sử dụng đúng mục đích, tập trung làm ăn phát triển kinh tế.
Cô Văn Siêu Cuội cho biết thêm: Muốn lấy lòng tin của chị em không phải là dễ bởi vì tôi làm từ cộng tác viên dân số, vừa chăm sóc bà mẹ trẻ em rồi chị em cần gì thì tôi tốc hành đi làm, trong khả năng làm được gì thì tôi đều làm hết,từ đó tôi tạo được lòng tin. Bởi vậy các mô hình của phụ nữ do tô triển khai đều đem lại hiệu quả.
Chỉ sau một thời gian ngắn ra đời tổ góp vốn ấp Cỏ Quen đã tạo được sức lan tỏa rộng, nhiều tổ góp vốn nối tiếp ra đời, cũng dưới hình thức xoay vòng theo vụ lúa. Phong trào phụ nữ biên giới giúp nhau phát triển kinh tế cũng từ đó trở nên sôi nổi.
Ảnh minh họa
Tổ góp vốn xoay vòng ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang không những đem lại những hiệu quả thiết thực trong phong trào phát triển sản xuất ở vùng biên, mà còn là bài học về tính tiết kiệm, tinh thần tương ái theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực tiễn hóa tại cơ sở./.
Lam Hiếu/VOV ĐB Sông Cửu Long
Viết bình luận