Ngất ngây bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ
Thứ năm, 00:00, 02/08/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Nằm giữa núi rừng đại ngàn, nơi biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Sin Suối Hồ là địa danh du lịch ấn tượng, bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Phong cảnh, địa thế thuận lợi và các nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông là những điểm nhấn níu chân khách.

 

 

Nằm cheo leo lưng chừng dãy núi Hoàng Liên Sơn, bản biên giới Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có khí hậu mát mẻ quanh năm và được biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ và mộc mạc vốn có do thiên nhiên ban tặng.

Dù mới có tên trên bản đồ du lịch từ năm 2013, nhưng bản Sin Suối Hồ đã được quy hoạch đầu tư và là địa danh không thể bỏ qua với du khách khi đến với Lai Châu.

Ấn tượng đầu tiên với các du khách khi đặt chân đến mảnh đất Sin Suối Hồ chính là sự gọn gàng, sạch sẽ từ nhà dân đến đường đi, lối lại. Trước mỗi nhà thường có biển gỗ ghi các thông tin hướng dẫn cho khách du lịch. Dọc ven đường có những bộ bàn ghế bằng gỗ, bằng đá cho khách dừng chân hay thác nước thiên nhiên hình trái tim ấn tượng.

Được thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất Sin Suối Hồ rất hợp với nhiều loại cây như: thảo quả, táo mèo và hoa, đặc biệt là hoa lan. Không chỉ vậy, giờ đây bà con đã biết chủ động trang trí lại nhà cửa, nhân rộng các vườn địa lan của gia đình để đón khách du lịch; ai cũng thành thục cách tiếp đón, cũng như hướng dẫn du khách khi đến đây thăm quan và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh việc phát huy những lợi thế về mặt địa lý, khí hậu bà con còn biết vận dụng những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông để thu hút du khách.

Đó là vẻ đẹp của trang phục, nghệ thuật may vá, thuê thùa hay những khúc hát giao duyên, những làn điệu dân ca của các gặp đôi trai gái vào mỗi mùa yêu.

(Nét đẹp vùng cao ở Sin Suối Hồ- ảnh: Khắc Kiên)

Phụ nữ Mông ở Sin suối Hồ đã biết phục dựng lại nghề thêu, dệt của đồng bào mình. Một phần là làm các bộ trang phục để bán cho du khách, phần nữa là để du khách tìm hiểu và khám phá về văn hóa dân tộc Mông.

Cách đây vài năm, cuộc sống của 103 hộ dân nơi đây chỉ biết dựa vào nương ngô, nương lúa, vì vậy tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 60%. Những thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế, gắn với tận dụng lợi thế để phát triển du lịch đã khiến bộ mặt bản làng đổi mới hoàn toàn.

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Du lịch đang là hướng đi mũi nhọn của địa phương trong phát triển kinh tế. Năm 2017, người dân trong bản thu về hơn 2 tỷ đồng từ tiền bán địa lan. Đến nay bà con cũng đã phát triển được trên 24 nghìn chậu địa lan để phục vụ cho du khách, bên cạnh đó còn trồng rất nhiều loại lan khác nhau tạo lên một cảnh quan ấn tượng đẹp.

Giờ đây bản không còn hộ đói nghèo và 1/3 hộ dân trong bản thuộc diện khá giả. Hiện địa phương đang cho tập trung tu sửa và chỉnh trang lại khuôn viên bản làng và trồng thêm một số loại cây ăn quả mang hương sắc của vùng cao Tây Bắc để phục vụ cho du khách.

Từ đây, bà con đã có ý thức bảo vệ rừng để vừa có nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, vừa tận dụng để phát triển các cây kinh tế mũi nhọn cho hiệu quả kinh tế cao.

Các nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mông cùng với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng và khói, sương lãng đãng phủ lên những mái nhà, mang theo hương vị của các món ăn dân tộc là những nét đặc trưng của bản vùng cao biên giới Sin Suối Hồ./.

 

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC