Với lợi thế hồ Thác Bà rộng trên 19 nghìn héc ta, huyện Yên Bình đã quy hoạch diện tích mặt hồ thành các vùng chăn nuôi thủy sản. Huyện cũng hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi cá lồng, nuôi cá nước ngọt, hỗ trợ về giống, tín dụng... giúp người chăn nuôi có thêm nguồn lực, kiến thức trong nuôi trồng thủy sản.
Cùng với tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản; tăng cường khuyến ngư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm thủy sản có chất lượng cao, các hộ dân tận dụng ao hồ, đập các công trình thủy điện, thủy lợi để nuôi trồng thủy sản.
Người dân đã áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình sau mỗi chu kỳ nuôi từ 10 đến 12 tháng cho thu lợi nhuận từ 25 đến 30 triệu đồng trên 1 lồng.
(lLàm theo hướng dẫn, người dân thiết kế lồng nuôi hình tròn để đảm bảo sức khỏe cho đàn cá)
Tỉnh Yên Bái hiện có trên 21 nghìn héc ta mặt nước nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm cho đánh bắt, khai thác gần 9 nghìn tấn thủy sản tươi sống các loại, mang lại giá trị trên 225 tỷ đồng, tạo việc làm và thu ổn định cho hàng nghìn hộ dân.
Yên Bái đang tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Lào Cai… để thu mua và chế biến thủy sản của người dân theo tiêu chuẩn VietGap cung cấp cho thị trường. Từng bước thiết lập , hình thành các kênh tiêu thụ đến những thị trường lớn…Từ đó, tạo ra chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ bền vững ở các địa phương có diện tích mặt nước lớn như Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn...của tỉnh Yên Bái./.
Thừa Xuân/VOV Tây Bắc
Viết bình luận