Aduôn Uyên, người giữ hồn chiêng Ê đê
Thứ năm, 00:00, 26/10/2017 p bt p bt
VOV4.VN - Hơn 80 tuổi, Aduôn Uyên (cụ bà Uyên), người Ê-đê, ở buôn Hđơk, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đam mê văn hoá cồng chiêng của dân tộc. Bà dạy cách đánh cồng chiêng cho lớp con cháu, cho mượn cồng chiêng để các gia đình, buôn làng diễn tấu mỗi khi có dịp… Nghệ nhân Aduôn Uyên đau đáu một điều: làm thế nào giữ được cồng chiêng trong cộng đồng.

Đã trải qua 82 mùa rẫy, nhưng nghệ nhân Aduôn Uyên còn rất nhanh nhẹn. Nói chuyện về cồng chiêng, mắt cụ sáng lên: nhờ cồng chiêng mà tôi có sức khoẻ và luôn minh mẫn.

Tiết tấu chiêng Êđê rất nhanh, dồn dập, sôi nổi. Đánh chiêng cần phải có sức khoẻ, nên thường là do người đàn ông đảm nhận. Nhưng vì tiếng chiêng quá hay nên Aduôn Uyên thích và học theo ngay từ khi còn nhỏ: “Tôi biết đánh ching, knah khơk, chinh ana, chinh mong… Tôi biết thổi đinh năm, đinh tút. Tôi cất giữ cẩn thận chiêng ché, những gì của ông bà để lại…”. 

Khi “cơn bão” săn lùng đồ cổ quét qua các buôn làng, nhiều người ở buôn Hđơk đã bán chiêng, bán ché. Aduôn Uyên xót xa: ngày xưa cha ông phải đổi nhiều trâu bò mới có được bộ cồng chiêng quý. Cồng chiêng đã trở thành hồn cốt văn hoá của người Tây Nguyên, mà nay con cháu nhiều người không biết gìn giữ báu vật ấy.

Hiện cả buôn Hđơk chỉ còn mỗi gia đình Aduôn Uyên có cồng chiêng. Và không chỉ giữ được 2 bộ chiêng cổ, gia đình bà còn giữ gìn nhiều vật dụng truyền thống khác, như trống, nồi đồng, ché rượu, ghế kpan…

Ami Mia, cháu của Aduôn Uyên, cho biết:Bà dạy cho con cháu cách tấu cồng chiêng. Bà luôn dặn dò con cháu phải giữ gìn cồng chiêng, không được bán đi. Có nhiều người qua hỏi mua, nhưng bà nói là phải giữ gìn cho con cháu sau này những tài sản quý ấy”.

Mỗi khi trong buôn tổ chức cúng lúa mới hoặc đầy tháng, thôi nôi, ma chay…, các gia đình đều đến nhà Aduôn Uyên mượn chiêng. Nhưng rồi việc tấu cồng chiêng cứ thưa vắng dần.  Những lúc rảnh rỗi, cụ thường đem bộ chiêng và nhạc cụ ra lau chùi, hồi tưởng về những giai điệu trầm bổng của một thời.

Lo lắng vì những giá trị truyền thống bị mai một, Aduôn Uyên sẵn lòng truyền dạy cách đánh chiêng cho con cháu và thanh niên trong buôn. Cồng chiêng thì phải đủ người thì mới diễn tấu được. Vậy nhưng rất ít người trẻ còn đam mê giai điệu cồng chiêng.

Aduôn Uyên buồn rầu: “Người trẻ không muốn đánh cồng chiêng nữa, không muốn nghe tiếng cồng chiêng nữa. Chỉ những người già thì còn biết đánh chiêng. Tôi đã chỉ dạy bố mẹ chúng nó biết. Còn các cháu thì ít người muốn học nên không biết nữa. Một phần cũng do ít dịp được đánh cồng chiêng nên các cháu không thích học”.

Với người Êđê nói riêng và người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, âm thanh ngân nga của cồng chiêng từng thấm đẫm trong hơi thở, hừng hực trong huyết quản, nâng đỡ tâm hồn bao thế hệ. Tiếng chiêng reo vang từ khi mỗi người cất tiếng khóc chào đời và cũng chính tiếng chiêng đưa họ về với ông bà tổ tiên.

Vậy nhưng cuộc sống hiện đại đang cuốn người ta vào những vòng xoáy mới. Những nghệ nhân như Aduôn Uyên, khi tuổi càng cao, lại càng đau đáu: làm thế nào để cồng chiêng ngân tiếp đến đời sau?



          H’Zawut/VOV-Tây Nguyên

p bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC