Ngôi nhà của bà Katơr Thị Xính nằm chơ vơ bên cạnh con đường vào thôn Ma Ty. Vật đáng giá nhất có lẽ là chiếc tủ chè cũ, phía trên là những tấm bằng khen cho những đóng góp của bà trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai. Trong tháng 12 này bà sẽ ra Hà Nội để dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và danh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số được Ủy ban Dân tộc vinh danh.
Bà Katơr Thị Xính năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng chất giọng vẫn vang lắm. Bà Xính có lẽ là một trong rất ít người còn thuộc được sử thi của dân tộc mình. Nghe nói bà học từ bé, nói là học thôi, nhưng tất cả do truyền miệng, thích và đam mê rồi không thể sống thiếu những bài hát sử thi. Với bà Xính, sử thi là nguồn sống, mỗi khi có tâm sự, buồn vui, bà đều hát.
Bà Katơr Thị Xính, người gìn giữ sử thi Raglai. Ảnh: VP
Trong tâm hồn bà Xính và nhiều người Raglai, sử thi của dân tộc này nhiều lắm, hay lắm. Nội dung thì phong phú, bao trùm về cuộc sống, về con người, về tình yêu và khát vọng của người Raglai. Có thể kể đến những sử thi tiêu biểu như Sa-er, akha juka hay Uđai.
Bà Xính chia sẻ: hát sử thi hát thôi chưa đủ, còn phải hiểu nội dung lời hát thế mới trọn vẹn, cho nên khi truyền dạy, có mấy người nắm bắt được hồn cốt của sử thi đâu.
Hiện nay, ở thôn Ma Ty này có lẽ chỉ có chị Pinăng Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Tân, có thể coi là học trò xuất sắc của nghệ nhân Katơr Thị Xính. Theo chị Hương, phải đam mê mới có thể tiếp thu được và khi đã tiếp thu được thì bức tranh về đời sống tâm hồn người Raglai qua sử thi sẽ mở ra với vô vàn điều thú vị.
Pinăng Thị Hương, học trò của bà Pinăng Thị Xính. Ảnh: VP
Đam mê và nhiệt huyết bảo tồn văn hóa dân tộc mình, bà Xính không quản ngại công sức. Ở lễ hội hay sự kiện nào của xã, của huyện, bà đều tham gia biểu diễn, kể cả không có thù lao. Có những đợt truyền dạy kéo dài tới nửa năm trời, bà chỉ được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng.
Một số cơ quan chức năng cũng đã nhận ra vấn đề này nhưng do thiếu kinh phí, hoặc có kinh phí nhưng rất hạn hẹp, nên không biết giải quyết thế nào. Thầy giáo Trần Thanh Nam, trường tiểu học Phước Tân A, cho biết, trước đây trường cũng mời bà Xính đến truyền dạy cho câu lạc bộ của trường, song để duy trì những câu lạc bộ như vậy là rất khó, mà lý do cũng là do: thiếu kinh phí.
Chính quyền xã Phước Tân cũng đã có chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Katơr Thị Xính, nhưng mức đãi ngộ chỉ mang tính tượng trưng, nên nghệ nhân này vẫn phải dành phần lớn thời gian vật lộn với cuộc mưu sinh.
Chị Pinăng Thị Hương, học trò của nghệ nhân Katơr Thị Xính, hiểu được, thấm được cái hay cái đẹp của sử thi Raglai, nên lo lắng hơn. Theo chị, cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nghệ nhân Katơr Thị Xính nói riêng và các nghệ nhân khác nói chung. Nếu không, sử thi Raglai một ngày không xa sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận