Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, có gần 700 em học sinh, tất cả đều là người dân tộc Ba na. Điều đặc biệt ở ngôi trường này là hầu hết học sinh đều yêu thích và biết đánh cồng chiêng, múa (xoang). Cứ sau những giờ học chính khóa và trong cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, tiếng cồng chiêng lại vang lên rộn rã trong sân trường.
Nghệ nhân A Biu giúp các em học sinh cảm thụ âm thanh cồng chiêng
Cô giáo Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng, cho biết, phong trào học đánh cồng chiêng được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay và người có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, truyền lửa đam mê cho các em học sinh là nghệ nhân A Biu.
Không chỉ dạy các em học sinh ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn và thanh - thiếu nhi các làng trong vùng biết đánh cồng chiêng, xoang, nghệ nhân A Biu còn tỉ mỉ giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, nhằm xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ba na.
Nhờ được nghệ nhân A Biu phát hiện, dìu dắt, nhiều em nhỏ có năng khiếu đã khẳng định được tài năng của mình tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn. Nổi bật như em Y Việt Hương, học sinh lớp 4D; em A Văn Thỉu, học sinh lớp 5C... Đặc biệt, em Y Thái Thị Kim Ngân, học sinh lớp 6, trường Trung học Cơ sở Hàm Nghi, đánh được dàn chiêng 8 chiếc mà không chênh, không phô.
Em Y Thái Thị Kim Ngân, một học trò xuất sắc của nghệ nhân A Biu
Có tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng và để tình yêu ấy có thể lan tỏa, thu hút cộng đồng, hàng chục năm qua, nghệ nhân A Biu đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt hồn cốt của văn hóa cồng chiêng.
Ông tự tìm thầy học hỏi và bằng sáng tạo của riêng mình làm chủ nghệ thuật chỉnh chiêng. Những chiếc chiêng rách, chiêng hỏng, đến tay ông chỉnh sửa, chắp nối trở thành những bộ chiêng hoàn chỉnh có âm vực rền, rè độc đáo. Ông giấu vợ bán tài sản lặn lội tới tận huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, chờ năm, bảy ngày mua kỳ được bộ chiêng Klang Brông quý giá; ông thuyết phục gia đình dựng lại ngôi nhà truyền thống ở Plei Klech, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, ngày đêm mở cửa đón khách giới thiệu về văn hóa Ba na...
Tỉ mỉ hướng dẫn từng động tác
Với nghệ nhân A Biu, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba na. Vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy chiêng ra kể chuyện. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Để bảo tồn, phát huy được nghệ thuật cồng chiêng ngay trong cuộc sống đời thường thì những thế hệ kế cận phải thật sự yêu và muốn giữ cồng chiêng. Đây cũng chính là lý do để nghệ nhân A Biu cần mẫn tới các trường học, đi các làng ở thành phố Kon Tum truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận