Ẩn họa từ thói quen uống rượu ở vùng cao
Thứ ba, 00:00, 12/12/2017
VOV4.VN - Vụ ngộ độc rượu bắt nguồn ở đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đầu năm nay đã làm gần chục người chết, 126 người trong và ngoài đám tang bị ảnh hưởng. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm cho thói quen sử dụng rượu, bia bừa bãi của người dân vùng cao. Thế nhưng cho đến nay, ở các bản làng vùng cao Tây Bắc, tình trạng này dường như không chấm dứt. Việc nấu rượu, sử dụng rượu trong dân vẫn tràn lan khó kiểm soát.

 

Câu chuyện của gia đình chị Lò Thị Xé, dân tộc Thái, ở bản Đông 2, xã Tường Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, khiến ai  nấy đều thương cảm. Bởi chị phải làm dâu ở một gia đình có 3 anh em trai đều nghiện rượu. Thậm chí người anh cả đã chết vì nghiện rượu nặng, 2 anh em còn lại, trong đó có chồng chị, vì nghiện rượu mà thường xuyên trong tình trạng bị sảng rượu, ảo giác, không làm chủ được hành vi bản thân.

“Cứ đi uống rượu về là đuổi, nhiều khi không tránh được là bị đánh, còn gây hết với các nhà xung quanh nữa. Đời mình đã khổ thế này, mong sao con cháu đừng uống rượu nữa, hãy tránh xa, khổ hết cả gia đình mình” - chị Xé than.

Cùng với chị Xé, còn biết bao người mẹ, người vợ, người con trong nhiều gia đình ở các bản, làng vùng cao Sơn La đang rất khổ sở, phải gồng mình chịu đựng khi có người thân mắc chứng nghiện rượu. Bởi người thân của họ từ khi dính vào nghiện rượu không những không lao động sản xuất được, kinh tế gia đình sa sút, mà còn thường xuyên về nhà mắng chửi, đánh đập vợ con.

Rượu là thức uống thường thấy trong mọi cuộc vui 

Bản Bó, một bản ngay trong lòng thành phố Sơn La, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống. Bản có gần 270 hộ, tới gần 30 gia đình có người nghiện rượu. Những năm gần đây, năm nào bản cũng có người chết vì các bệnh liên quan đến rượu và tai nạn giao thông do rượu.

Ông Lường Văn Đích, Bí thư chi bộ bản Bó, cho biết: Bản có đề ra quy ước về việc gìn giữ an ninh bản làng, các hình thức xử phạt với người uống rượu gây rối rật tự. Tuy nhiên, cảnh cáo, nhắc nhở, xử phạt xong thì đâu lại vào đó bởi thói quen nấu rượu, uống rượu có từ đời ông đời cha để lại nên bà con vẫn nấu rượu, uống rượu như một hoạt động bình thường. Nhà thì tự nấu rượu phục vụ gia đình, nhà thì đi mua hàng quán khó kiểm soát.

Theo ông Bích: “Từ xa xưa đồng bào Thái đã có thói quen uống rượu, từ việc tang gia hiếu hỷ đều dùng đến rượu. Có người uống rượu nhiều gây mất trật tự an ninh trong bản, vợ chồng xích mích, người dùng rượu thường xuyên quá sinh bệnh và tử vong cũng có. Bản cũng đã có quy ước, hương ước để phạt những người gây mất trật tự an ninh tối thiểu là 50 cân thóc, quy ra tiền".

Anh  Lường Văn Chiến, ở bản Tà Làng Thấp, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, uống rượu thường xuyên từ khoảng 6 năm nay, bình quân mỗi ngày uống hết 1 chai. Anh Chiến cho biết: Qua thông tin trên báo đài, rồi cán bộ đến tuyên truyền, anh cũng hiểu về tác hại của uống rượu nhiều, đặc biệt là rượu không rõ nguồn gốc. Thực tế uống rượu say xong đến khi tỉnh thì anh luôn đau đầu, mệt mỏi, không làm được việc gì. Nhưng rồi anh vẫn uống rượu vì uống rượu là thói quen khó bỏ.

Mua bán rượu ở chợ vùng cao

Thói quen uống rượu bừa bãi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, làm tổn thương người thân, ảnh hưởng trật tự bản làng do chửi bới đánh cãi nhau,  mà còn gây ra những căn bệnh liên quan đến rượu và những cái chết thương tâm  do bệnh tật và tai nạn giao thông.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng: Từ tháng 9/2012 đến 9/2017, tại Sơn La đã xảy ra 981 vụ tai nạn giao thông, làm 464 người chết, 858 người bị thương. Trong nhiều nguyên nhân thì một trong những nguyên nhân được xác định là người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Thống kê từ khoa nam, bệnh viên tâm thần tỉnh Sơn La: Từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận gần 300 bệnh nhân vào điều trị và phục hồi chức năng các rối loạn tâm thần và bệnh tâm thần. Gần 50% trong số này là các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến rượu và các chất có cồn, tăng gần 40% so với năm trước. Hầu hết  bệnh nhân đã có quá trình sử dụng rượu, các chất có cồn thường xuyên gây tình trạng nghiện, có dấu hiệu loạn thần.

Bác sỹ Nguyễn Hưng Nguyên, trưởng khoa Nam, Bệnh viện tâm thần tỉnh Sơn La cho biết thêm:“Hầu hết những triệu chứng chính của những bệnh nhân đến đây đều có những hoang tưởng, ảo giác. Sau 1,2 ngày điều trị thì bệnh nhân lên cơn sảng rượu, trong tình trạng lơ mơ, đi lại lộn xộn, kích động, đập phá, không nhận rõ được người thân trong gia đình. Hầu như các bệnh nhân liên quan đến rượu đều có những bệnh cơ thể như gan, phổi, thận”.

Không khó để nhận thấy trong mỗi việc vui, việc buồn, phiên chợ, lễ hội, ngay cả khi kết thúc buổi lên nương, ra đồng của bà con, rượu không thể thiếu nhu một nét văn hóa, một thói quen ngàn đời khó bỏ.

 

 

 

 

Bích Thủy,Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc


Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC