Chàng trai dân tộc Mông làm giàu bằng địa lan
Thứ năm, 00:00, 12/10/2017
VOV4.VN - Vàng A Lai, chàng trai dân tộc Mông, ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đi đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình gia trại, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng và trở thành điển hình cho bà con trong vùng học tập, làm theo.

Vàng A Lai (sinh năm 1984) năng động, sáng tạo và tháo vát trong phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn nhà rộng khoảng 4.000m2, anh đã bố trí xây dựng chuồng trại hợp lý, đầu tư vốn chăn nuôi lợn thịt "cắp nách" và gà thả đồi. Bình quân mỗi năm anh xuất bán hai lứa, khoảng 4 tấn lợn hơi và khoảng 1 tấn gà thịt, lãi khoảng 150 triệu đồng.

Mô hình gia trại, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh minh họa: baomoi.com

Vàng A Lai cho biết, trước khi bắt tay vào chăn nuôi, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn do địa phương tổ chức, tích cực tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà. Ban đầu anh chỉ nuôi 3 con lợn nái và vài chục gà mái để tự cung tự cấp con giống, sau đó, nhân lên hàng chục con lợn mẹ và hàng trăm gà đẻ khác.

"Gia đình tôi rất là nghèo, làm lúa, làm ngô để ăn thôi. Đến năm 2011 - 2012, gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi lợn, gà, thu nhập khá hơn một chút. Bây giờ trồng địa lan, cây ngô, cây lúa tôi vẫn làm, thu nhập kinh tế khá hơn hẳn trước" - anh Lai nói.

Gia đình anh đầu tư vào trồng địa lan, một loại hoa đang đem lại thu nhập cao cho bà con nơi đây. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên địa lan phát triển tốt và trở thành "thương hiệu" địa lan Sin Suối Hồ. Mỗi năm, vào dịp tết Nguyên đán, gia đình anh bán ra gần 100 chậu địa lan, thu về trên 300 triệu đồng.

Với mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình Vàng A Lai thu về khoảng 500 triệu đồng, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Mô hình kinh tế của anh đã trở thành điểm tham quan của nhiều đoàn nông dân do chính quyền địa phương tổ chức. Nhiều hộ nông dân trong bản và trong vùng đã học tập mô hình này để áp dụng vào làm kinh tế của gia đình, đã thoát nghèo.

Anh Vàng A Tủa, ở bản Sin Suối Hồ, nói: "Nhà chú Lai là năm nào cũng bán được nhiều địa lan nhất. Về phát triển kinh tế và về trồng địa lan, nhà chú Lai luôn luôn đi đầu và có kinh nghiệm trồng địa lan tốt. Ở trong bản mình cũng nhiều nhà lên nhà chú Lai học tập để về trồng địa lan".

Ông Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ, cho biết: "Trước gia đình Lai rất là nghèo, nhưng cố gắng, rất có đầu óc, rất giỏi, nuôi lợn lớn rất nhanh và bán được rất nhiều. Lai còn có kinh nghiệm, năng lực trồng cây địa lan, chăm sóc rất tốt. Mình đang tuyên truyền cho bà con trong bản là phải làm như Lai".

Vàng A Lai đã được các cấp, các ngành ở địa phương ghi nhận với hàng chục giấy khen, bằng khen và được người dân trong bản, trong vùng tin yêu. 

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC