Cánh rừng thông ngút ngàn, rộng gần 150ha đang bắt đầu vào thời điểm khai thác của gia đình ông Lường Văn Hợp là diện tích rừng trồng rộng nhất ở bản Nông Cốc, xã Long Hẹ. Ngoài cây thông, ông Hợp còn trồng 15ha táo mèo.
Đđịa hình khó canh tác chủ yếu là đồi núi dốc, hiếm nước, ông Hợp đã rất trăn trở để tìm xem trồng cây gì và nuôi con nào cho phù hợp. Ông Hợp đã lựa chọn trồng rừng, một hướng đi mà theo ông để phát triển kinh tế một cách bền vững, dài lâu. Gia đình ông còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tăng thêm thu nhập.
“Trước kia, nuôi đại gia súc về mùa rét chết nhiều, thế nên tôi có ý định trồng rừng. Mình sống ở trên rừng. Trồng rừng thì phải vận động nhiều người cùng trồng, nhiều hộ cùng trồng thì mới giữ được rừng như thế này" - ông Hợp bảo.
Táo mèo cho thu nhập, lại giữ được rừng. Ảnh: dantri.com
Là người dân tộc Kháng, sống gắn bó với vùng cao nên ông Lường Văn Hợp rất hiểu về cuộc sống bà con nơi đây. Ông chia sẻ, giúp đỡ các hộ nghèo trong bản, trong xã về cây, con giống. Nhiều hộ được gia đình ông giúp về giống và vốn, đã thoát nghèo, cuộc sống dần cải thiện.
Gia đình chị Tòng Thị Dủ được gia đình ông Hợp tặng bò giống, chia sẻ cách trồng cây thông, đến nay nhà chị đã có trên 3ha rừng thông. Chị kể: “Khi gặp khó khăn bác cũng giúp đỡ, như con cái đi học thiếu tiền nộp nhà trường, bác giúp đỡ thêm tiền đi nộp nhà trường. Bác hướng dẫn gia đình trồng rừng nên gia đình cũng trồng được vài ha cây thông”.
Với mức thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm như hiện nay, tuy chưa phải là lớn, song đây là cách tạo thu nhập ổn định, bền vững từ nghề rừng. Hiện ông Hợp đang nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Irsaren vào trồng cây ăn quả và sẽ trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả chưa từng được trồng tại đây như vải, nhãn…
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận