Tẩn Kim Phu, người Dao nặng lòng với Đài Tiếng nói Việt Nam
Thứ sáu, 00:00, 01/09/2017
VOV4.VN - Trên cao nguyên Sìn Hồ, Lai Châu, có một người Dao yêu Đài tiếng nói Việt Nam. Ông không những là bạn nghe Đài thân thiết, mà còn đóng vai trò là kiểm thính, cố vấn cho chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài TNVN và Đài PT-TH địa phương. Ông là Tẩn Kim Phu, nghệ nhân nghiên cứu văn hóa Dao.

 

Năm 1975, giải ngũ trở về quê hương Sìn Hồ, ông Tẩn Kim Phu được giao quản lý chiếc đài duy nhất, phát cho tập thể cán bộ nghe. Thời đó kiếm được pin nghe đài rất khó khăn. Nhưng ông mê đắm các chương trình thời sự, văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các chương trình sản xuất nông nghiệp.

Bởi thế mà mỗi lần đi công tác, ông đều mang theo chiếc đài con bên mình. Đài là phương tiện để ông có thêm nhiều kiến thức phục vụ nghiên cứu văn hóa Dao, tuyên truyền bà con dân tộc bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, học tập cách làm ăn mới.

Nghệ nhân Tẩn Kim Phu

Thấy tình yêu, sự mê Đài của ông Phu qua các ý kiến đóng góp tâm huyết của ông gửi về, lãnh đạo Đài phát thanh-Truyền hình Lai Châu đã mời ông hợp tác làm cố vấn xây dựng chương trình phát thanh tiếng Dao của đài tỉnh. Rồi từ năm 2006 đến nay, ông được mời làm kiểm thính chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Ông hết mình dìu dắt, chỉ bảo các biên dịch-phát thanh viên tiếng Dao trẻ mới vào nghề, sáng tác nhiều bài hát cho chương trình tiếng Dao của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các câu chuyện, làn điệu dân ca Dao của ông, qua cánh sóng Đài tiếng nói Việt Nam, đi vào lòng người vì phản ánh được cuộc sống, tâm tư tình cảm của đồng bào Dao.

Theo ông Phu: Dân tộc Dao ở nước ta có đến 24 ngành. Các ngành Dao cơ bản có văn hóa giống nhau, nhưng có những từ ngữ khác nhau. Vì thế, trong việc dịch thuật từ tiếng phổ thông sang tiếng Dao, ngoài lấy ngôn ngữ Dao đỏ làm chuẩn như hiện nay, thì phải biết phối hợp, thậm chí dùng từ đại chúng mà nhiều nhóm ngành Dao có thể nghe được để dịch thuật. 

Biên tập viên Thiều Thị Nghiệp, tổ trưởng tổ chương trình tiếng Dao, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Từ những đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân am hiểu về văn hóa Dao, các biên tập-biên dịch-phát thanh viên đã có thêm kiến thức áp dụng vào chuyên môn của mình.

Say sưa nghe Đài, miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Dao, điều ông Tẩn Kim Phu trăn trở là người am hiểu và biết viết chữ nôm Dao giờ  không còn nhiều. Ông mong Đài có thêm các chương trình giới thiệu, truyền dạy về tiếng, chữ nôm Dao.

Tại  vùng cao Sìn Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đầu tư trạm phát sóng Làng Mô. Tuy nhiên, do địa bàn có nhiều vùng lõm nên việc tiếp sóng Đài còn khó khăn. Ông kiến nghị: “Muốn cho dân được nghe, Đài cấp trên cần có chế độ tiếp sóng, có quy định cụ thể để đến giờ mới tiếp sóng được tốt. Xã nào hệ thống loa hỏng rồi cấp trên phải có quan tâm đầu tư”.

72 năm- cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày một vươn xa. Đồng hành cùng sự phát triển lớn mạnh ấy, không thể thiếu những người luôn nặng lòng với Đài như nghệ nhân người Dao Tẩn Kim Phu.

 

 

Chẻo Thu/VOV-Tây Bắc

 

 



Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC