Cuối năm, nhiều doanh nghiệp miền núi vẫn gặp khó
Thứ hai, 08:37, 19/12/2022 Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Chịu sự tác động của tình hình chiến sự ở Ukraina, tình hình lạm phát ở Châu Âu, cũng như dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp của tỉnh miền núi Yên Bái không còn đơn hàng xuất khẩu, phải tạm dừng hoặc tạm dừng một phần việc sản xuất.

Nguyên do là nhiều mặt hàng nông, lâm sản không thể xuất khẩu vào các thị trường kể trên, vốn là những bạn hàng, đối tác truyền thống. Hậu quả là nhiều mặt hàng như: gỗ, chè, tinh bột sắn… tồn kho với khối lượng lớn; nhà máy dừng vận hành, công nhân tạm thời nghỉ việc.

Từ tháng 8 đến nay, Công ty Cổ phần sản xuất quốc tế Mộc Hương, chuyên sản xuất gỗ ván dán, ở cụm Công nghiệp Đầm Hồng, thành phố Yên Bái rơi vào tình cảnh sản xuất bập bõm, vì sản phẩm của công ty mấy tháng nay đã không xuất khẩu được đơn hàng nào. Cực chẳng đã, công ty đành phải cho 60 công nhân tạm nghỉ việc.

Theo lãnh đạo công ty này, các đơn hàng không xuất bán được nên đang tồn kho tới gần 800m3 gỗ dán thành phẩm. Giá sản phẩm xuống thấp hơn so với chi phí ban sản xuất nên không thể bán; thêm vào đó thị trường cũng đang thu hẹp dần, doanh nghiệp không có đủ tiềm lực duy trì, đành phải dừng sản xuất, chưa biết đến khi nào mới quay lại.

Không chỉ sản phẩm trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng mà hiện nay một số mặt hàng nông sản khác như tinh bột sắn hiện cũng đang gặp khó, không xuất khẩu được. Niên vụ sản xuất 2021 – 2022 của Công ty cổ phần nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái vừa kết thúc, nhưng đến nay doanh nghiệp này hiện đang tồn kho 1.000 tấn tinh bột sắn chưa xuất khẩu được.

Ông Lê Long Giang, Giám đốc công ty cho biết: do tác động của chính sách Zero Covid từ Trung Quốc nên mặt hàng tinh bột sắn hiện nay hầu như bị chững lại, không có một khách hàng nào dám mang hàng sang Trung Quốc vì mang sang cũng không giao được hàng, xe lưu bên đấy chi phí rất cao.

Chịu tác động bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do suy thoái kinh tế, do tình hình chiến sự và dịch bệnh, các doanh nghiệp ở Yên Bái còn đang phải chịu áp lực về lãi suất ngân hàng, hạn mức cho vay cũng như chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng thương mại. 

Đứng trước những khó khăn trên, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động thích ứng, chuyển hướng sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành và tìm kiếm thị trường mới. Là một doanh nghiệp sản xuất gỗ ván dán xuất khẩu, thời gian qua, Công ty TNHH sản xuất – thương mại Đạt Phương, có địa chỉ tại thôn 2, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên trung bình một tháng vẫn xuất từ 25 đến 30 container hàng, khối lượng trên 1.000 m3. Những mặt hàng này được doanh nghiệp xuất khẩu ủy thác sang thị trường Hàn Quốc, mới đây mở thêm thị trường Malaysia. 

Ông Cao Huy Điều, Giám đốc công ty cho biết: Để duy trì sản xuất và xuất khẩu, đơn vị đã phải cắt giảm các chi phí không cần thiết; đồng thời liên kết với các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trong khu vực nâng cao chất lượng gỗ ván bóc, đảm bảo theo yêu cầu của đối tác…Công ty buộc phải giảm nhân công và tăng năng suất lao động. Các định mức kinh tế kĩ thuật như điện, nguyên liệu đầu vào được quản lý chặt chẽ.

Dự báo trong năm 2023, tình hình suy thoái toàn cầu sẽ còn có những tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp trong nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng; đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông lâm sản chủ lực. Các doanh nghiệp cần phải có sự đánh giá và kịp thời thích ứng để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Long Giang, giám đốc công ty cổ phần nông lâm sản thực phẩm Yên Bái cho biết, Doanh nghiệp vẫn cố gắng tích lũy hàng trong kho và huy động các nguồn lực tài chính để tổ chức thu mua hàng, đảm bảo nhu cầu bán hàng nông sản của nhân dân, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên. Tiết giảm các chi phí và làm việc với các ngân hàng để đáp ứng được nguồn vốn.

Chính phủ đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, để ứng phó với những rủi ro và thách thức, điều cần thiết nhất lúc này đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh là phải chủ động thích ứng để phát triển./.

Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC