Ngài Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, cho biết: “Hiện tại, khi hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, chúng tôi mong muốn khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU ký kết thì có thể tăng mức độ thương mại và có nhiều hoạt động đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Từ đó sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi. Và không chỉ Việt Nam mà cả những nước trong Asean”.
Tại Hà Nội, ngày 24/11, Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với tổ chức Actionaid tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Rừng trồng và Thương mại gỗ” với sự tham gia của đại diện Tổng cục Lâm Nghiệp, Tổng cục kiểm lâm, Hiệp hội gỗ và lâm sản, Hội chủ rừng, cùng các tổ chức và hiệp hội của Phần Lan. Ảnh: Ngài Đại sứ phát biểu tại Hội thảo (tác giả: Nguyễn Minh).
Hội thảo “Rừng trồng và Thương mại gỗ” được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quản trị rừng và giảm nghèo" trong bối cảnh tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn còn hạn chế do thiếu nguồn cung, trong khi thị trường gỗ thô nội địa không được sử dụng đúng mức.
Hội thảo đem tới không gian cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thảo luận về hiện trạng, xu hướng và giải pháp để tối đa hóa tiềm năng của thị trường gỗ trong nước cũng như các tiêu chuẩn mà các nhà cung cấp trong nước cần đạt được để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Chủ rừng Việt Nam, trong 16 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tăng từ 311 triệu USD năm 2.000 lên 6926 triệu USD trong năm 2016 - nhiều hơn 22 lần. Tuy nhiên, chất lượng và sản lượng gỗ được sản xuất từ rừng sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế. Những yếu tố này đã tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế và hạn chế xuất khẩu gỗ nội địa.
Hơn 13 triệu hec-ta đất rừng ở Việt Nam vừa là nơi cư trú, vừa là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân ở các khu vực miền núi, chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Phương Thảo, trưởng đại diện tổ chức Actionaid Việt Nam: “Thực tế thì gỗ mà chúng ta xuất khẩu được toàn là gỗ rất là nhỏ, hoặc gỗ nghiền ra rồi chứ không có gỗ lớn và gỗ giá trị cao. Việt Nam hiện nay đang theo hướng là rừng trồng của mình thì theo kiểu 5-7 năm là khai thác được thì chúng ta luôn quay lại câu chuyện là gỗ rẻ tiền, gỗ dăm thôi. Ở Phần Lan thì rừng có vòng đời từ 60-120 năm và gỗ của họ rất là tốt. Kinh nghiệm của Phần Lan là đời ông bà trồng rừng, bố mẹ chăm sóc, đời con bán và sử dụng. Nhưng trong lúc chăm sóc và sử dụng thì họ vẫn thường xuyên trồng tiếp. Tôi nghĩ mô hình đấy chúng ta cần nghiên cứu vì đó là hướng giúp cho mình ổn định về mặt đất đai, môi trường và tầm nhìn”.
Ngoài Hội thảo “Rừng trồng và Thương mại gỗ”, Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trồng 100 cây xanh với mong muốn tạo ra một khu rừng nhỏ Phần Lan giữa lòng Hà Nội.
Và mới đây là Lễ ra mắt quyết định mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Hệ thống giám sát tài nguyên rừng trong khuôn khổ dự án “Phát triển hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp” do Phần Lan tài trợ một phần kinh phí.
Cộng hòa Phần Lan nổi tiếng với tài nguyên rừng giàu có, ngành công nghiệp và những sáng kiến. Lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Phần Lan, với chương trình hợp tác song phương đầu tiên bắt đầu từ giữa những năm 1990.
Thanh Tâm/VOV4
Viết bình luận