Một số chuyên gia cho rằng, không nên "đập bỏ để làm lại" mà cần đánh giá toàn diện về kỳ thi này để phát huy những điểm tích cực, khắc phục những “lỗ hổng” có thể xảy ra gian lận trong quy trình tổ chức thi. Điều quan trọng nhất là giữ được tính ổn định trong phương thức thi, đánh giá để học sinh yên tâm thi và học.
Qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh, đến thời điểm này kỳ thi vẫn chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu đề ra, đó là an toàn, nghiêm túc, khách quan, kết quả thi tin cậy, đảm bảo để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.
Không khó để nhận ra vụ gian lận trong chấm thi ở Hà Giang và Sơn La đã cho thấy quy trình tổ chức thi đang có những “lỗ hổng” để một số cá nhân lợi dụng làm sai lệch kết quả thi, gây bất bình trong xã hội, còn thí sinh và phụ huynh thì mất niềm tin vào tính công bằng của kỳ thi.
Câu chuyện tiếp tục tổ chức một kỳ thi với 2 mục đích, hay là tách thành 2 kỳ thi độc lập (thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng) như trước đây lại được xã hội mang ra bàn thảo.
Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mỗi phương thức thi đều có những ưu điểm, hạn chế. Vấn đề là lựa chọn phương án thi nào thì phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao chọn được phương án có nhiều ưu điểm và ít điểm hạn chế nhất.
Ông Thắng cho rằng: nếu tiếp tục áp dụng kỳ thi 2 trong 1 thì những hạn chế, những “lỗ hổng” của phương thức này đã bộc lộ và nếu chúng ta tiếp tục áp dụng thì chúng ta phải bịt những lỗ hổng đó, khắc phục những tồn tại đó và phát huy những ưu điểm mà chúng ta cũng đã ghi nhận.
Theo một số chuyên gia khác, kỳ thi với 2 mục đích được tổ chức tại địa phương, do địa phương chủ trì đã tạo tâm lý “sân nhà” nên dễ cho sự “chỉ huy” của những người có quyền tại mỗi tỉnh, thành phố, dẫn đến tình trạng tiêu cực khi có thể để dành lợi thế cho con cháu của họ.
Vì thế, dù kỳ thi được đánh giá là có nhiều ưu thế, nhưng khi tổ chức ở địa phương thì sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi tâm tâm lý “phép vua thua lệ làng” của người Việt và những gian lận, tiêu cực trong thi cử sẽ càng khó kiểm soát, nên cần phải thay đổi cách tổ chức thi.
Tiến sỹ Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, những thay đổi trong giáo dục cần phải làm thận trọng. Việc tổ chức kỳ thi với hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng dù chưa thật hoàn thiện, nhưng lợi ích mà kỳ thi đã mang lại là không thể phủ nhận.
Vụ việc gian lận trong khâu chấm thi vừa bị phát hiện chỉ là số ít, nhưng giống như “giọt nước tràn ly” khiến xã hội khó nhìn thấy những điểm tích cực mà kỳ thi đã mang lại, thay vào đó chỉ nhìn thấy những điểm tiêu cực, hạn chế của kỳ thi này. Việc có tiếp tục tổ chức kỳ thi này nữa hay không cần tính toán trên cơ sở đặt lợi ích của học sinh, gia đình học sinh lên trước.
Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng thi THPT quốc gia có nhiều khâu, gồm coi thi, chấm thi, xử lý dữ liệu chấm thi và công bố kết quả. Trong 4 năm tổ chức kỳ thi này, khâu coi thi được tổ chức khá tốt, vấn đề còn lại là khâu chấm thi và xử lý bài thi. Bên cạnh đó bài thi trắc nghiệm với việc không dọc phách chính là lỗ hổng lớn.
Vì vậy, nên dọc phách, để không thể biết bài nào của ai. Thứ 2 là sau khi làm bài xong, đóng túi thi, thì chuyển bài làm về một cụm do một trường đại học quản lý chấm thi. Ví dụ một cụm theo vùng miền, 3-4 tỉnh đưa về 1 trường đại học giao cho đại học chấm thi với đội ngũ cán bộ hoàn toàn tách biệt thì sẽ hạn chế rất nhiều.
Từ sự việc gian lận ở Hà Giang, Sơn La, dư luận mong muốn trả lại sự trung thực cho ngành giáo dục và tính thiết thực, hiệu quả mà kỳ thi mang lại. Nhưng việc thay đổi như thế nào, tiếp tục tổ chức kỳ thi này hay “đập bỏ để làm lại”... thì cần có thời gian đánh giá cụ thể trên cơ sở đặt lợi ích của học sinh, phụ huynh lên trước.
Kỳ thi THPT quốc gia mới tổ chức được 4 năm và Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ ổn định đến hết năm 2020. Nếu lại thay đổi theo kiểu “đập bỏ để làm lại” thì học sinh chính là người thiệt thòi nhất, vì các em lại phải học và thi theo phương án mới mà chưa đo đếm được phương án ấy có tốt hơn phương án cũ hay không./.
Minh Hường/VOV1
Viết bình luận