Tình trạng ùn tắc nông sản hơn 1 tháng qua tại tỉnh Lạng Sơn khiến bên phía Trung Quốc bị "cháy" hàng, nhiều chủ hàng bên nước bạn sẵn sàng trả giá cao nếu nông sản Việt Nam được thông quan. Trong khi chủ hàng người Việt rơi vào cảnh “lỗ chồng lỗ”, một số tìm cách để móc nối, quan hệ mong được thông quan nhanh, đã xuất hiện tình trạng có những đối tượng môi giới đứng ra thu tiền với giá “cắt cổ” kèm theo lời chào mời xe nông sản sẽ không phải xếp lốt theo quy định và sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc nhanh nhất.
Lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Thông tin này gây hoang mang cho nhiều chủ hàng đang có nông sản xếp hàng ở Lạng Sơn. Một người làm nghề buôn bán trái cây qua biên giới tỉnh Lạng Sơn đã nhiều năm nay cho biết: Kể từ lúc xuất hiện ùn tắc, chị đã nhận được rất nhiều lời mời chào từ những người lạ mặt tự xưng là môi giới khi họ hứa hẹn rằng là có mối quan hệ với chỗ này, chỗ kia để thu phí chạy lốt từ 120- 300 triệu/xe.
Chị cho biết cụ thể: Họ chỉ bao đi vào đến bãi Bảo Nguyên (bãi xe chờ xuất khẩu bên phía Việt Nam), chứ không nhận bao sang bên phía Trung Quốc. Tôi đi thử một lần rồi, mất 150 triệu đồng. Bây giờ một số nhà vẫn có cách để đi vì họ quen biết ở một số vị trí nào trong các lực lượng cả bên Việt Nam lẫn bên Trung Quốc nên hàng của họ vẫn đi rất mạnh, tại mình không quen biết, giao lưu gì nên không dám làm hàng như thế.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương (đơn vị quản lý bến bãi tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị) cho biết: Đã có người gọi điện cho ông nhờ thông quan nhanh 20 xe thanh long và họ sẵn sàng trả số tiền là 160 triệu đồng/xe, nếu thông quan trót lọt thì số tiền họ "bồi dưỡng" lên đến 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Cương thẳng thừng từ chối và khẳng định không tiếp tay cho những việc làm tiêu cực, bởi vì Công ty Xuân Cương có hệ thống camera giám sát, xe vào, ra lúc nào đều hiển thị trong hệ thống và nếu phát hiện nghi ngờ thì lực lượng chức năng hoàn toàn có thể trích xuất được ngay vì hệ thống lưu dữ liệu trong vòng 1 năm đổ lại.
Mọi xe hàng ra, vào và làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đều được hệ thống camera của Công ty Xuân Cương ghi lại
Tất cả xe khi làm thủ tục đều được phát số thứ tự và theo quy định thì không có phiếu xuất bến của công ty thì xe hàng cũng không làm thủ tục thông quan được. Bản thân ông Cương cũng đã nhận được thông tin này và đã báo cáo tới UBND tỉnh Lạng Sơn và tỉnh đang chỉ đạo làm kiên quyết và nghiêm đối với những trường hợp này, đồng thời tiến hành rà roát lại lượng phương tiện ra vào bến từ ngày 25/12 tới bây giờ và yêu cầu các lực lượng thực hiện nghiêm việc báo cáo hằng ngày.
Trong điều kiện khó khăn chung, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, triển khai nhiều giải pháp để giải phóng hàng hóa tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán ách tắc hàng nông sản xuất khẩu qua biên giới khó có thể tìm ra lời giải ngay. Quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa có sự tham gia của nhiều lực lượng như Biên phòng, Giao thông, Hải quan, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương…, việc thông quan hàng hóa vì vậy có sự giám sát và kiểm soát lẫn nhau.
Thiếu tá Trịnh Quang Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Không loại trừ khả năng một số đối tượng đã lợi dụng việc ùn tắc để có hành vi trục lợi cá nhân, có thể nhờ vào các mối quan hệ để chạy chọt xin vượt lốt...
Thấu hiểu sự vất vả của bà con nông dân và những chủ hàng nông sản suốt thời gian vừa qua, lực lượng biên phòng luôn quán triệt tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc điều tiết, phân luồng để sao cho hàng hóa được thông quan sớm và nhanh nhất, nhưng tất cả đều phải đúng với các quy định đã được đề ra.
Thiếu tá Trịnh Quang Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị khẳng định sẽ duy trì việc kiểm soát đúng như quy định và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Đồn ký cam kết không tham gia tiếp tay vào các hoạt động tiêu cực.
Các chủ hàng nông sản cần nâng cao nhận thức, không nghe thông tin chào mời từ các đối tượng “cò mồi”
Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc chống dịch bên phía Trung Quốc vẫn hết sức quyết liệt nên khả năng thông quan rất khó để cải thiện. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Lạng Sơn, mỗi chủ hàng nông sản cần nâng cao nhận thức, không nghe thông tin chào mời từ các đối tượng “cò mồi” đề tiếp tay cho các hoạt động tiêu cực trong thông quan hàng hóa, tránh để xảy ra tình trạng “tiền mất, tật mang”./.
Duy Thái/VOV Đông Bắc
Viết bình luận