Việt Nam hiện có 53 dân tộc thiểu số với khoảng 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Gần 90% người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực nông thôn. Mặc dù chỉ chiếm 14,6% dân số nhưng số hộ dân tộc thiểu số nghèo lại chiếm đến 48% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Về trình độ chuyên môn, chỉ hơn 6% bộ phận dân cư này được đào tạo bài bản, còn lại chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo. Nguyên nhân được các đại biểu đưa ra tại hội thảo là do vùng cư trú của các dân tộc thiểu số tập trung ở trung du và miền núi, đời sống nhiều khó khăn nên ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.
Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, theo nhiều đại biểu, công tác đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Hiện nay, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển vùng dân tộc thiểu số, nhưng vấn đề cốt lõi là phải phát huy được hiệu quả các chính sách này. Điều quan trọng nhất là phải xuất phát điểm từ nhu cầu thực tiễn của đồng bào tại địa phương. Nhà nước đã quan tâm đầu tư nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số , vấn đề hiện nay là làm sao cho đầu tư cho hiệu quả, sát thực và có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận