Lễ ma khô của người Nùng
Thứ tư, 00:00, 21/10/2020 HH BTCT + 1 ảnh HH BTCT + 1 ảnh
VOV4.VN - Trong quan niệm của người Nùng ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, cúng ma khô chính là lễ thức cuối cùng của vòng đời mỗi người. Đây là một lễ thức quan trọng bắt buộc phải có.

Không làm ma khô hồn người chết không được về thế giới tổ tiên
Sau khi thực hiện các thủ tục chôn cất người mất, chọn được ngày lành, tháng tốt, người Nùng sẽ tổ chức lễ ma khô. Nghi lễ này có thể diễn ra ngay sau khi chôn cất, hoặc 5 – 10 năm sau đó khi gia chủ có điều kiện.
Người Nùng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang quan niệm: chết không phải là hết mà là trở về với thế giới tổ tiên, là được đầu thai sang một kiếp khác. 

Trong thế giới tâm linh của người Nùng họ có 2 vị vua trời, tên gọi Hạn Hung. Đó là vua trời anh và vua trời em. Hai vị vua này cai quản trên trời, nắm giữ linh hồn của người chết. Theo đồng bào Nùng, con người chết đi, hồn sẽ bay lên trời và bị nhốt vào một chiếc hang do Hạn Hung trông coi. Nếu hồn mãi mãi bị nhốt, người chết sẽ không được trở về với tổ tiên và được đầu thai. Nghi lễ làm ma khô giúp người Nùng giải quyết được việc đó.


Trong lễ cúng ma khô của người Nùng luôn có tiết mục múa ngựa giấy. 

Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết, cũng bởi coi mọi vật đều có linh hồn, người Nùng cho rằng cùng tồn tại với loài người còn có một hệ thống ma vô cùng phức tạp.

Bản thân loài người cũng như vạn vật đều có 2 phần: phần xác tức là cái đang tồn tại, nhìn thấy được; còn phần hồn là cái đang tồn tại song song nhưng con người không thể nhìn thấy. Thể xác chính là nơi trú ngụ của phần hồn. Khi con người chết đi, hồn thành ma và do Hạn Hung cũng như các vị thần khác cai quản nên gia đình phải cúng để chuộc hồn ra thì hồn mới được trở về bàn thờ tổ tiên, tiếp tục hành trình mới.
"Lễ làm ma là lễ quan trọng nhất và là nghi thức cuối cùng trong vòng đời của con người. Trong trường hợp rất khó khăn, người mất đột xuất, đột ngột mà người ta không đủ điều kiện thì họ sẽ xin khất lại. Có thể 5 – 3 tháng hoặc chục năm sau họ làm cũng được".

Phải có gà, vịt cúng gọi hồn
Để cúng Hạn hung thả hồn người chết về với gia đình, người ta sẽ lập đàn tế ở ngoài trời. Có khi đó là ở ngoài đường, ở bãi ruộng, hoặc bãi cỏ, hoặc ven suối nào đó… nơi gần mộ người chết mà hồn họ dễ nhìn thấy để quay về. 
Gia đình phải chuẩn bị tươm tất gà, vịt, rượu, xôi, bánh nếp. Đó là những lễ thức quan trọng không thể thiếu để dâng lên vua trời. 
Trong không gian được chọn làm lễ cúng Hạn hung và gọi hồn người chết, thầy cúng dựng nêu vạt mẩu. Đó là miếng vải trắng dài khoảng 6m, có trang trí nhiều hình vẽ: mặt trời, hình mặt trăng, hình con rồng, nhà cửa, trâu bò, dê, gà, cá…vv. Sau đó, thầy cúng treo miếng vải trên ngọn tre cao, mục đích làm dấu hiệu để hồn người chết nhìn thấy để trở về.
Ngoài ra, gia đình chuẩn bị sẵn 3 đàn tế lễ: Đàn cúng Hạn hung bằng tre gồm 2 tầng. Tầng trên thờ thần trời anh và tầng dưới thờ thần trời em. Trong hai mâm này bắt buộc phải có các lễ vật: một con gà, một con vịt đã luộc chín, rượu, bánh khẩu đẹo là bằng cơm nếp giã mịn, nạn thành bánh to bằng hai bàn tay gói lại bằng lá chuối.
Đàn tế thứ hai là đàn tế chúng sinh gồm các món như gà luộc, vịt luộc, thịt rượu. Và đàn cúng hồn người chết lập ngay trên mặt đất, được nối với đàn lễ cúng Hạn hung bằng một đoạn vải mộc màu trắng, rồi quây lại thành ngôi nhà nhỏ có cổng xung quanh đàn lễ để đón hồn về.
Khi cúng, thầy cúng đeo kiếm, tay cầm chuông, vừa lắc chuông vừa khẩn cầu Hạn hung và các cận vệ thần nhà trời thả hồn. Con cháu theo sau mở đường, đón hồn người chết.
Đi được 2 – 3 vòng đàn tế, thầy cúng bắt đầu dừng lại xem xương đùi gà, xương đùi vịt. Theo quan niệm của người Nùng, hiện trạng của chúng là dấu hiệu Hạn hung bằng lòng thả hồn người chết hay chưa.
"Trong trường hợp xương đùi của nó có 4 cái lỗ tròn thủng qua xương đấy như vậy hồn người chết đã về nhà. Nếu không có lỗ nào hoặc chỉ có 1 – 3 lỗ trên xương đấy thì người chết chưa đến nơi. Phải tiếp tục cúng, tiếp tục mổ con gà, con vịt khác, đến khi phát hiện đùi con gà, con vịt đấy có 4 lỗ rồi mới là xong". - Ông Nhân nói.
Khi Hạn hung đồng ý thả hồn, thầy cúng sẽ cuộn mảnh vải làm lối đi cho người chết vào đàn tế, ngụ ý hồn người chết đã trú ngụ trong bát hương, rồi đặt tất cả vào chiếc kiệu nhỏ có kết giấy xanh, đỏ, tím vàng và có mái vòm. Cuối cùng, thầy cúng rung chuông đưa hồn về nhà, theo sau là con cháu khênh kiệu dẫn đường. Đi sau cùng là trống chiêng khua vang để xua đuổi tà ma, đồng thời cũng là thể hiện sự vui mừng của gia chủ. 
Về đến nhà, chiếc kiệu sẽ được đặt ở gian chính giữa. Lúc này, thầy cúng đặt chiếc kiệu đó trước bàn thờ, mời hồn người chết gia nhập vào bàn thờ tổ tiên. Chính thức từ đây hồn người chết đã trở về nhà. 
Con rể làm cây tiền báo hiếu
Trong lễ ma khô của người Nùng ở Hoàng Su Phì có một điều đặc biệt đến nay bà con vẫn truyền đời: con rể phải làm cây tiền tặng bố mẹ quá cố.
"Họ quan niệm, trong những ngày đầu người chết chưa cấy trồng được, làm ruộng, làm nương chưa ra được cây ngô, hạt thóc họ phải có tiền để mua thức ăn. Cuộc sống hằng ngày cũng cần phải có tiền để chi dùng nên con cháu sẽ làm những cây tiền". - Ông Nhân lý giải. 
Trước khi tiến hành làm ma khô các gia đình đều phải làm nhà táng hai tầng dán giấy xanh đỏ tím vàng trang trí đẹp để tặng cho người khuất. Khi đến dự lễ cúng là con, cháu gái phải có con lợn nhỏ hoặc một con gà hay vịt, vài ba ống gạo, con ngựa giấy mang đến làm lễ, con trai làm cây tiền cao nhiều tầng. Với người Nùng, cây tiền càng cao càng to gia đình càng khá giả, nhà có bao nhiêu con sẽ có bấy nhiêu cây tiền. 
Xung quanh nhà táng trước bàn thờ, con cháu lần lượt đătg phần lễ của mình dâng cho người quá cố. Riêng gia chủ, phải dắt một con trâu đến trước bàn thờ, thầy cúng buộc chỉ đỏ từ sừng con trâu đến que hương trong bát hương của người quá cố, ngụ ý giao trâu cho người chết. Đó là tư liệu sản xuất quý giá để người chết có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia.

Thu Cúc/VOV4

HH BTCT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC