Người M'nông coi "đời voi như đời người"
Thứ ba, 00:00, 26/12/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Từ xa xưa, những Gru (dũng sĩ săn voi) đã mang loài vật này từ đại ngàn hùng vĩ về Buôn Đôn thuần dưỡng, tạo nên mối quan hệ ngày càng thân thiết với con người. Cũng bởi coi voi là thành viên lớn trong gia đình, nên người M’nông vô cùng thận trọng khi nuôi voi.

 

Nuôi voi cần trọng nhiều điều

 

Trong tâm thức của người M’nông, voi đứng hàng đầu trong tất cả các loài vật. Họ tin rằng, thần voi và hồn voi là linh thiêng nhất, quan trọng nhất. Điều này được thể hiện qua câu ca dao mà quản tượng nào cũng nhớ: Thần chiêng chỉ to bằng chiếc rìu, thần ché to bằng ngón tay, thần voi to bằng núi cao.

Người M’Nông tin rằng voi là hiện thân của thần Pak-qua trong thế giới siêu nhiên. Pak-qua là vị thần chuyên cai quản đàn voi, phù hộ các gru săn bắt voi thuận lợi, truyền dạy cách huấn luyện voi biết nghe lời. Do đó, người ta nâng niu cơ thể của voi. Người nuôi voi tuyệt đối không nhổ lông đuôi voi, bởi giống như mạch nước, nhổ lông ở đuôi voi, máu sẽ chảy mãi không ngừng khiến con voi kiệt sức.

Nếu voi bị thương, người M’nông dùng vỏ cây lộc vừng đun sôi lấy nước sát trùng, lấy đất tổ mối trộn với nước tiểu, trát vào vết thương. Khi già yếu, voi được thả về rừng, vài ngày một lần, gia chủ đi thăm. Khi voi chết, chủ làm lễ chôn cất.

Anh Y Tak, người đã nuôi gần 50 con voi ở Buôn Đôn, lý giải: "Voi là động vật thông minh so với các động vật khác, nhưng người M'nông không xếp voi là động vật mà coi nó như con người. Khi người ta bắt từ rừng về, người ta coi voi là thành viên trong gia đình, voi có nguồn giao cảm với người dù không nói được. Trong gia đình anh có làm quy ước, những điều kiêng kỵ khi nuôi mình phải biết được thì voi sống tốt hơn".

Trong xã hội truyền thống của người M'nông, voi là một tài sản lớn của gia đình, có thể mua bán hoặc dùng cho những trao đổi quan trọng: lấy trâu, chiêng, ché quý... Khi con cái dựng vợ gả chồng, voi để cho bố mẹ ở nhà. Nếu voi đực ốm đau mà chết, gia chủ sẽ cưa ngà bán, chia đều phần đó cho con cái, coi như một thứ tài sản chính danh.

Luật tục M'nông quy định chi tiết về giá trị quy đổi của những của cải trên. Voi đực có giá hơn voi cái, những con đã nuôi thuần thục đổi được nhiều hơn. "Một con voi họ quy ra 30 con trâu, 15 con bò và 5 con ngựa, một đầu voi là như thế, nếu ước lượng bây giờ thì nó nằm trên độ 2-3 tỷ, vì nhà nào giàu mới có voi được" - ông Y Tak cho biết.

Đàn ông M'nông thể hiện sức mạnh và vai trò quyết định trong việc bắt, thuần dưỡng, sử dụng, chăm sóc voi. Ông Y Thu, người có kinh nghiệm lâu năm nuôi voi ở Buôn Đôn, cho biết: "Voi tài sản là của chung, nhưng trực tiếp với voi là nam giới. Ví dụ nhà có voi mà bố mất thì chủ voi sẽ là con trai, nhà không có con trai thì giao lại cho chú. Trực tiếp chăm sóc voi tuyệt đối không thể là con gái".

Nuôi voi, người M’Nông phải kiêng kỵ nhiều điều. Lạ nhất là việc ngoại tình của chủ voi lại khiến con voi buồn đau. Lúc này, buôn làng phải lập tức cúng cho voi, nếu không, voi sẽ chết. Ông Y Thu kể: Giả sử con cái trong nhà bồ bịch mà bố mẹ không biết thì những người giữ voi thấy bất thường, bình thường nó không như thế mà bây giờ nó thế thì mình biết à, con mình đã làm điều không hay. Tùy theo mức độ thì làm lễ cúng, con gà ché rượu, mức độ nặng thì con heo. Người con sai cũng phải cúng bên ché rượu, lần sau tôi không làm sai nữa. Con người mình làm tốt thì voi tốt, mình làm xấu thì voi xấu".

Về điều này, anh Y Tak cũng khẳng định: Voi rất kiêng kỵ chuyện tình cảm giữa nam nữ. Những gia đình nuôi voi càng cần tôn trọng điều này. Nếu mình vi phạm, bố mẹ không biết, nhưng đối với những gia đình nuôi kinh nghiệm, người ta nhìn vào voi là biết anh này phạm quy, nếu bạn gái có thai thì người già nhìn vào voi sẽ thấy có biểu hiện, ví dụ thả vào rừng con voi rất khỏe mạnh nhanh nhẹn hoạt bát thông minh nhưng khi vi phạm thì con voi buồn, bỏ ăn, ốm đau, có khi nó bỏ vào rừng, ra cả giọt nước mắt, thì gia đình sẽ biết có chuyện trái đạo lý, người ta tổ chức cúng cho voi luôn".

 

Nhập buôn là phải đặt tên

 

Voi không còn là con vật nuôi mà trở thành linh vật đối với đồng bào M’Nông. Bởi vậy, các nghi lễ cúng cho voi ra đời như một cách thể hiện sự tôn trọng, tình yêu với thành viên lớn trong gia đình. Các lễ cúng trong năm là nghi thức cầu thần linh ban cho voi sức khỏe,  cũng là lời nhắn nhủ người nuôi biết quan tâm, chăm sóc voi.

Nghi thức cúng voi diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, ở đầu làng, ở trước nhà, có khi ngay bên bến nước… Nội dung cúng voi cũng khác nhau như cúng trước khi đi săn, cúng khi săn được voi, cúng voi nhập buôn, cúng đặt tên cho voi, cúng sức khỏe cho voi, cúng voi sinh nở…

Ông Y Thu kể: việc cúng cho voi bắt đầu từ khi đưa voi từ rừng về. Voi rừng bắt về, mỗi con mỗi tính. Trong khi mình thuần dưỡng thì mỗi tuần cúng cho nó một lần, một ché rượu, một con gà.

Sau giai đoạn thuần dưỡng, khi nài voi đã quen thuộc với tính nết của voi, điều khiển được voi, thì cộng đồng sẽ tổ chức lễ nhập buôn (còn gọi là lễ đặt tên) cho voi. Ông Y Thu lý giải: Mỗi con phải có tên khác nhau để phân biệt, người M’Nông gọi con đực là Pa Khăm, con cái gọi là Y Nuôn, Y Blang… Chỉ nói tên voi là biết con voi nhà nào rồi, vào bản Đôn gọi tên voi là biết tên chủ. Con voi có lý lịch rõ ràng.

Trước khi đặt tên, nài voi sẽ xem xét tính tình và ngoại hình của voi  để chọn tên cho phù hợp, rồi chọn ngày lành tháng tốt, mời thầy cúng có kinh nghiệm nuôi voi đến làm lễ. Anh Y Tak cho biết: thầy có kinh nghiệm đã từng săn bắt thuần dưỡng trên 15 con, 30 con, nếu hơn 100 con càng tốt. Làm lễ thường một buổi sáng, và người ta đặt tên theo con đực, con cái, lựa chọn con voi hợp với tên nào thì người ta đặt tên như thế.

Trong lễ nhập buôn, thầy cúng khấn cho voi “Biết nghe lời, biết đi con đường thẳng trong buôn khi ông mặt trời thức dậy ở đằng Đông và đến khi đi ngủ ở đằng Tây. Siêng năng như con suối chảy hoài không mệt, giúp dân làng gieo hạt lúa, hạt ngô trên rẫy”. Rồi nài voi truyền cho cả buôn làng biết mà gọi tên, nhớ tuổi của voi nhà mình. Trường hợp chuyển voi cho người khác nuôi thì lại làm lễ cúng như lúc bắt đầu đón voi từ rừng về.

Lễ đặt tên kết thúc, già làng răn con cháu: “Đời voi như đời người”, nghĩa là từ khi voi được làm lễ nhập buôn cho đến khi nằm xuống đều được mọi người chia sẻ tình cảm như thành viên trong cộng đồng. Rồi thầy cúng gọi tất cả người trong gia đình ra để voi ngửi hơi. Voi là động vật có trí nhớ tốt, chỉ một lần ngửi hơi nó sẽ nhớ đến hết đời nên kể từ ngày đó, tất cả thành viên trong gia đình đều có thể cưỡi lên lưng con voi này.       

Từ sau lễ nhập buôn, voi được cúng hàng năm theo từng mục đích, đầu mùa mưa và sau mùa thu hoạch, trong các dịp lễ quan trọng như mừng nhà mới, đám cưới, đám ma... Khi người nhà mất, sau khi làm lễ hỏa táng, hoặc khi con cái lấy vợ gả chồng xong, người M’Nông cũng làm lễ cúng cho voi. Tuy nhiên, long trọng nhất phải kể đến lễ cúng sức khỏe cho voi.

 

Dùng đầu heo và tiết cúng voi

 

Đồng hành với voi trong cuộc sống, nài voi tổ chức cúng sức khỏe cho voi mỗi năm hai lần. Mùa mưa, người ta cúng báo cho voi biết rằng trời đất bắt đầu cho voi thức ăn. Đầu mùa khô, người M’Nông làm lễ cúng báo cho voi biết rằng thức ăn trong tự nhiên cạn rồi, động viên voi vượt khó khăn để chờ mùa mưa đến.

Ông Nguyễn Trụ, Giám đốc Công ty du lịch sinh thái Bản Đôn, Đắc Lắc, cho biết: Người ta làm lễ cúng sức khỏe cho voi vì tháng ba ở nơi đây đất và trời giao thoa, là cầu nối để con voi và thần linh có điều kiện gặp nhau. Lễ này cầu Giàng ban ơn cho con voi đi đường không đạp phải cây xấu, gặp suối trong để uống, gặp cây khỏi bệnh… Và nói với thần voi: con người đang che chở cho con voi nên mong voi sống khỏe mạnh với con người.

Con voi nào được cúng thì nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc voi luôn khỏe mạnh, không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người. Ông Y Đăm Niê, nài voi ở Buôn Đôn, cho biết: Lễ cúng voi là lễ cúng đặc biệt nhất, không nằm trong chu kỳ nhưng mỗi năm đồng bào vẫn cúng sức khỏe cho voi, và khi cúng voi của gia đình thì tất cả con voi trong buôn đều được cúng. Một là cúng sức khỏe cho chủ nhà chăm sóc voi được khỏe, thứ hai để voi biết được mà trung thành với con người, biết được chỗ nào là đất sản xuất của bà con, chỗ nào là đất rừng để không phá hoại sản xuất của con người

Bên cạnh nhà dài, dân làng trồng một cây nêu - linh vật dành cho những dịp lễ hội trong buôn. Sau cây nêu là chiếc đệm lớn bày vật tế thần. Heo là lễ vật bắt buộc phải có, những chén huyết heo, ché rượu, gạo và cơm nguội được vo tròn lại thành từng nắm.

Đến giờ hành lễ, già làng cầm tù và thổi một hơi dài kêu gọi thần rừng, thần núi, thần voi... về chứng kiến. Đàn voi từ các nhà trong buôn quy tụ về điểm hành lễ. Thầy cúng lấy rượu thịt, mỗi thứ một ít bỏ vào nia có lót lá chuối. Tay phải lấy lòng gà, lòng heo nhúng vào chén huyết rồi bỏ vào nia.

Từng nài voi cưỡi voi tiến đến chỗ hành lễ, thầy cúng cầm đầu heo áp vào đầu voi, một tay khác rưới ít nước, rượu cần và bôi ít huyết heo lên trán voi, cầu khấn thần linh cho voi được mạnh khỏe, chủ voi được thêm tài sản. Trong khi thầy cúng làm lễ, các nài voi giữ cho voi đứng ở thế nghiêm trang.

"Ơ hỡi thần Pak- qua, dân làng cúng thần bằng đầu heo, huyết heo và ché rượu để thần khỏe mạnh, voi dũng mãnh đừng bệnh tật đừng gây hại cho dân làng và nương rẫy… Ơi hỡi thần voi, dân làng cúng thần bằng những thức ăn ngon, mang cho thần ngủ ở những cánh rừng voi, tắm mát ở hồ vào sáng sớm… Hỡi các thần về chứng giám cho dân làng…”.

Tiếp theo, thầy cúng lấy những vắt cơm trắng liệng vào mình voi, đặt cơm vào vòi là xong phần nghi thức. Lúc bấy giờ dân làng đến uống rượu mừng, dùng heo tế lễ để chúc mừng chủ nhà được voi mạnh khỏe.

 

 

 


  Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC