Rô băm diễn chuyện xưa tích cũ
Trong ngôi nhà Khmer tại làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, du khách đổ dồn hướng về gian nhà chính xem múa rô băm.
Nhạc múa với trống, chiêng nổi lên, nghệ nhân Lâm Hương trong trang phục nhà vua mũ, mão dát vàng oai nghi bước ra. Theo sau là nàng Sê đa xinh đẹp do con gái bà, em Lâm Thị Hạnh đảm nhiệm. Từ dáng đi, động tác múa với đôi tay thuần thục rồi cả những nét diễn trên gương mặt khi buồn, khi vui, khi sợ hãi… nàng Sê đa hiện lên đẹp dung dị, kiêu sa trong trích đoạn cùng tên do cô bé tuổi mới đôi mươi này nhập vai.
Trích đoạn nàng Sê đa do gia đình nghệ nhân Lâm Hương trình diễn
Trích đoạn Nàng Sê đa có 8 vai diễn và dàn nhạc diễn tấu riêng. Nhưng dù chỉ có 5 người, gia đình bà vẫn hoàn thành xuất sắc từng vai diễn. Sau vai nhà vua, bà Hương đổi vị tránh đánh chiêng cho người cháu trai ra diễn vai khỉ hanuman. Anh rể bà vừa cầm dùi đánh trống lớn, dứt đoạn bước sang cầm dùi đánh trống nhỏ, để chồng bà Hương ra diễn vai chằn tinh.
Dù trích đoạn diễn ra ít phút, không một lời thoại, chỉ là những điệu múa kết hợp giữa tay, chân và cảm xúc trên gương mặt trong từng phân cảnh, câu chuyện về cuộc đời nàng Sê đa cũng cuốn lôi cuốn người xem.
“Mình phải có ca hát, phải nói chuyện, phải đối thoại với nhau hết. Lúc nãy mình chỉ diễn là làm động tác thôi. Vì mình nói cũng không nghe được”. Bà Hương chia sẻ.
Rô băm xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử. Các tích cũ khai thác từ đề tài đạo Phật, đạo giáo Bà-la-môn, quen thuộc nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Các nhân vật trở thành hình mẫu lý tưởng của người Khmer như nàng Sê đa xinh đẹp, thủy chung, hoàng tử Rama tài giỏi, khỉ hanuman có nhiều pháp thuật cao cường…vv. Âm nhạc trong rô băm đặc trưng có trống, chiêng, kèn, phụ trợ cho các điệu múa thêm rõ nét trong từng phân cảnh, làm nổi bật tính cách của nhân vật, câu chuyện. Trong đó, kèn Sro Lay đóng vai trò chủ đạo, định âm cho giai điệu và thể hiện tính cách của từng nhân vật. Các nhạc cụ còn lại chủ yếu đệm và giữ tiết tấu các điệu múa và nhạc nền cho hát nói.
“Đoàn của cô là 22 người đi diễn. Ra đây có 5 thành viên này thôi. Mình diễn trích đoạn này ít nhất cũng 8 người mới đủ là trích đoạn nàng Sê đa. Còn 5 người nữa mới phải. Ngày xưa thì biểu diễn ở sát đất luôn. Không có sân khấu nhưng rất diễn được. Từ 3 tháng mới về tới nhà. Nhưng bây giờ người ta đòi hỏi có sân khấu mình mới diễn, thấy nó diễn sâu sắc hơn. Nếu có sân khấu mình phải có phục trang, phải trang trí”.
Triết lý dân gian qua từng vai diễn
Trong rô băm, động tác múa được coi là chủ đạo. Điệu rô băm được các nghệ nhân chuyên nghiệp biểu diễn động tác, tư thế của đôi bàn tay, sự chuyển động của thân hình phối hợp với chân. Để từ đó, những triết lý giáo dục và đạo lý của đồng bào Khmer xưa nổi bật lên trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này.
Các điệu múa trong rô băm rất đa dạng, cơ bản gồm có điệu múa Chằn, múa Tiên Apsara, múa khỉ Hanuman, hay điệu kết hợp 12 động tác múa… Diễn viên múa trên nền tiếng hát ở hậu trường, múa trên nền nhạc không lời. Lúc đối thoại thì không có nhạc và cũng không có múa. Do có nguồn gốc cung đình nên trang phục, hành động kịch, thoại kịch… của các nhân vật trên sân khấu này là vua chúa, các quan lại quý tộc.
“Rô băm thể hiện bên ác và bên thiện. Ngày xưa ba có kể lại, có một đoạn tuồng riêm kê. Tuồng đó rất là quý giá. Khi diễn tuồng đó ở đâu cũng thấy thích thú. Có chằn krông rep, khỉ ha nô man, vu pre prem và em của vua pre lec và nàng Se đa, đó là vai chính diện đó. Một nữa là nàng tiên cá, lúc khỉ đắp đường đi để đánh giặc với chằn cứu nàng Sê đa. Có 5 tuồng, chia ra làm 5 trích đoạn. Ngày xưa, rô băm này múa trong cung đình, trong dịp Tết Chol Chnam thmay, lễ oók om boók hoặc là lễ dol ta, lễ cầu an. Khi mà có người đến hợp đồng mình thì mình sẽ đi. Dân rất là thích thú khi mà thấy mình ra diễn. Khi mà ra đến đâu là khán giả cười đến đó”.
Nghệ nhân Lâm Thị Hương với trang phục mình tự may
Mão, mặt nạ - Sự chế tác cầu kỳ của nghệ nhân
Điều tạo nên sức hấp dẫn của kịch múa rô băm ngoài nội dung tích truyện, diễn xuất thì điểm cuốn hút người xem còn là sự tài tình trong nghệ thuật hóa trang, phục trang.
Mặt nạ, mão đòi hỏi sự công phu trong tạo hình của người nghệ nhân. Ông Sơn Đel, chồng bà Hương – người đã thừa hưởng kỹ thuật tạo mặt nạ, mũ mão của cha vợ vẫn luôn giữ nghề tới nay. Hầu hết những mũ, mão của đoàn lưu diễn đều do hai vợ chồng ông thiết kế. Loại đất mà ông Sơn Đel làm mão là loại đất đặc biệt. Thứ đất này, đã được ông gói ghém cẩn thận mang từ quê ra tận Hà Nội để tạo khuôn.
Cầm chiếc mũ chằn, ông Sơn Đel từ tốn kể từng công đoạn công phu làm ra chúng. “Một cái mũ chằn khoảng 4 cân đất. Mang đất về làm mũi, làm mắt, làm miệng. Sàng, cho đất rất là mịn mới được. Đầu mão, đầu khỉ, đầu chằn đầu đó mình làm bằng khuôn đất hết. Ngày xưa không phải bằng nhôm, bằng gỗ như này nè. Bây giờ mình làm bằng nhôm để được lâu dài. Mất thời gian 1 tháng mới làm được một cái chằn, một cái đầu con khỉ cũng vậy. Làm khuôn đất xong để trong mát cho nó khô cứng mình mới được đắp vải nhúng vào nhớt của trái nhuộm vải mặc nưa. Chừng nào khô một lớp rồi mình làm tới một lớp nữa. Một ngày chỉ có một lớp thôi. Xong hết thì mình mới vẽ. Rồi mới sơn màu”.
Truyền nối 6 đời
Ở tuổi 62, bà Lâm Thị Hương trở thành trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật Rô băm Ba Sak Bưng Chông – đoàn rô băm được hình thành cách đây 200 năm, từ đời cụ cố ngoại của bà. Bà Hương chính là thế hệ thứ 5 của đoàn và các con của bà là thế hệ thứ 6. Đây là đoàn rô băm đầu tiên và cũng là đoàn rô băm duy nhất còn lại đến nay.
Hiện, đoàn có khoảng hơn 20 người đều là con cháu trong gia đình. Ai cũng say mê và thuần thục các điệu múa rô băm. Thậm chí, một người có thể đảm nhiệm được 2 – 3 vai diễn và thể hiện nhiều nhạc cụ khác nhau.
8 tuổi, Hạnh đã được mẹ truyền nghề. Khắp các sân khấu lớn, nhỏ, em đã được mẹ cho đi biểu diễn. Sự khổ công rèn luyện từ nhỏ đã giúp Hạnh có được những vai diễn hay.
“Em nghe mẹ em nói là ba của bà ngoại em làm nghề đó. Bà ngoại em chỉ biết thêu thùa thôi. Ông ngoại em gặp bà ngoại em, ông ngoại cố gắng gìn giữ, bán ruộng, bán đất hết để mua trang phục về để đi múa. Rồi tới kế tiếp là mẹ em. Mẹ em lấy kim sa làm trang phục, rồi em cũng nhìn mẹ làm. Bây giờ em cũng biết làm chút chút rồi. Mẹ dạy cho làm hoa văn như thế nào. Bởi vì nhà em có chị gái, anh trai cũng theo nghề này nữa. Em nữa, ba người cùng đoàn kết giữ rô băm này. Em muốn năm nào cũng đi múa rồi nghề rô băm này không bị mai một, sẽ truyền bá tới khắp mọi người biết”.
Để lưu giữ được nghệ thuật truyền thống rô băm là một điều không hề dễ dàng, khi mà còn đó nhiều trăn trở. Từ kinh phí hoạt động, truyền nhân, thị hiếu, sân khấu biểu diễn…
“Khi diễn, đòi hỏi phải có sân khấu, những âm li, micro, mình cũng không có. Bởi vì mình không có tiền mua. Cô cực khổ lắm mới đứng được tới bữa nay đó. Ở nhà mình làm hồ, lúc rảnh rỗi cũng phải đi làm mới có tiền ăn. Ông đi làm hồ, cô đi cắt lúa. Tháng đi làm thì mình phải đi làm, tháng không làm gì thì mình phải làm mão, làm phục trang. Nhưng mình không bỏ nghề. Hết đời tôi, tới đời con tôi nó cũng có thể lưu giữ được. Mình vui vì điều đó”.
Mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí hoạt động nhưng theo nghệ nhân Lâm Thị Hương, đoàn vẫn đang nỗ lực, cố gắng trong việc gìn giữ loại hình nghệ thuật này.
Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận Nghệ thuật rô băm của đoàn nghệ thuật Rô băm Khmer Resmay Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm du lịch cộng đồng và là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Đây là một điều vô cùng ý nghĩa để rô băm đến gần với công chúng và cũng là nguồn động lực cho những nghệ nhân đang tích cực gìn giữ, phát huy nghệ thuật sân khấu cổ truyền.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận