Đắc Lắc hướng tới vận động xã hội hóa để bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Thứ tư, 00:00, 20/09/2017
VOV4.VN - HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết này đã đi vào đời sống như thế nào? PV Đài TNVN thường trú Tây Nguyên trao đổi với ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc về nội dung này.

 

Ông Đặng Gia Duẩn: - Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có chủ trương và tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một nghị quyết chuyên đề về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

 

Đến năm 2020, tỉnh sẽ cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho khoảng 75 đội chiêng, đội văn nghệ dân gian có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng; phấn đấu có trên 70% buôn sẽ có cồng chiêng, 100% các huyện, thị xã, thành phố mở các lớp truyền dạy về cồng chiêng và chỉnh chiêng; 100% trường dân tộc nội trú được phổ biến kiến thức và sinh hoạt ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng; hoàn thành thống kê và sưu tầm các bài chiêng cổ và thống kê chính xác số lượng nghệ nhân truyền dạy và số lượng cồng chiêng thực có trên địa bàn tỉnh.

Lớp cồng chiêng trẻ 

PV: - Trong công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức đào tạo, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ông đánh giá về hoạt động này như thế nào?

Ông Đặng Gia Duẩn: - Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng và lớp truyền dạy sử thi, như thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Bông, Chư Mgar… Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ song song với việc cấp trang phục và cấp chiêng.

Tuy nhiên, kinh phí vẫn "khiêm tốn" so với sự kỳ vọng và chúng tôi cố gắng tham mưu, giải quyết qua từng năm. Để đánh giá sát thực việc tổ chức các lớp, kể cả việc cấp chiêng, cấp trang phục cho đồng bào dân tộc thiểu số thì còn ít so với nhu cầu thực tế và chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

PV: - Mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, nhưng hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, vấn đề cần giải quyết ở đây là gì?

Ông Đặng Gia Duẩn: - Khó khăn lớn nhất, theo tôi đó là vấn đề nhận thức, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó là sự quan tâm đầu tư về mọi nguồn lực: nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện việc này. Nếu như chỉ quan tâm ở lĩnh vực ở tỉnh thôi thì chưa đủ, tôi nghĩ là tất cả các địa phương, từng buôn làng, chính quyền cấp cơ sở đến chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố phải thực sự vào cuộc thì mới có thể làm được điều này.

Trong thời gian tới thì ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ cố gắng tham mưu lãnh đạo tỉnh cần tích cực xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng để có sự quan tâm đầu tư tổng lực của toàn xã hội.

PV: - Xin cảm ơn ông.

 

 

H'Xíu/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC