Tiếng sáo dìu dặt, da diết cất lên từ chiếc sáo Cúc kẹ của bà Đặng Thị Thanh, người Xa Phó, ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái. Nữ nghệ nhân dân gian 60 tuổi này là người duy nhất biết chế tác và sử dụng thành thục cây sáo này.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh kể, sáo Cúc kẹ được sinh ra khi cụ tổ người Xa Phó trú chân ở một khóm nứa rừng trong một ngày mưa. Trong cơn gió mạnh, cụ văng vẳng nghe thấy một thứ âm thanh rất kì diệu. Kiếm tìm thì phát hiện thứ âm thanh ấy phát ra từ lỗ thủng do đàn kiến đục trên một cây nứa. Tại lỗ thủng ấy, cứ mỗi lần có gió đập, lại phát ra tiếng sáo nhẹ nhàng, trong veo, nghe rất êm tai. Cụ tổ người Xa Phó sau đó đã tìm cách chế tác nên cây sáo mô phỏng cây nứa bị kiến đục ấy.
Năm 15 tuổi, lần đầu tiên bà Thanh nghe thấy tiếng sáo cúc kẹ do cụ Bơ Thị Bà thổi trong một đêm trăng ngủ trông nương rẫy. Bà Thanh lập tức mê mẩn tiếng sáo nên quyết tâm học thổi bằng được. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết: "Học thổi sáo Cúc kẹ khó lắm, phải rất kỳ công. Nhưng như có duyên với cây sáo, sau khi được học là tôi sử dụng được. Sau này thì thành thạo dần, thổi hay dần lên...".
Sáo Cúc kẹ được người Xa Phó gọi là Na cù pí Cúc kẹ. Sáo Cúc kẹ độc đáo không phải bởi chất liệu làm nên nó, mà là cách thể hiện nhạc cụ này. Sáo cúc kẹ chỉ có một lỗ duy nhất, không hề có thêm lỗ chỉnh âm nào khác và được thổi bằng mũi, nên để thổi được sáo cúc kẹ một cách bài bản thì người thổi cần kiên trì rèn luyện cách thổi, giữ hơi, nén hơi. Rồi cách tiết chế hơi từ bụng để có hơi dài và đều; cách điều chỉnh âm điệu, ngắt nhịp, tiết tấu lên xuống, luyến láy theo lời bài hát...
Bà Đặng Thị Thanh theo học chế tác sáo. Bà lặn lội vào rừng tìm cây nứa kẹ (là cây nứa khô, già đanh) về tẩn mẩn đẽo gọt từng chút để tìm cách tạo lỗ sáo. Đó là chiếc lỗ vẫn còn một lớp màng mỏng của lõi ống nứa, khi nhận hơi từ mũi đập vào thì tạo ra âm thanh. Mỗi cây sáo dài chừng 50-60 cm. Ngày xưa, việc chế tạo sáo Cúc kẹ thường rất bí mật, chỉ một mình bà Thanh thực hiện. Nay bà Thanh đã quyết định chế tạo cây sáo trước nhiều người để ai ai cũng có thể hiểu rõ “báu vật” của dân tộc mình.
Em Phùng Thị Mến, đang được bà Thanh truyền dạy Sáo Cúc kẹ. Em bảo: "Bây giờ được bà Thanh truyền lại thì em rất vui. Tuy nhiên rất khó học, đến nay em chưa sử dụng thành thạo được, nhưng sẽ không bỏ cuộc, phải cố gắng học bằng được...".
Người Xa Phó ở Việt Nam còn rất ít và tại xã Châu Quế Thượng chỉ còn khoảng 700 nhân khẩu. Với tư cách là nghệ nhân, bà Đặng Thị Thanh luôn cố gắng bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Ngoài sáo Cúc kẹ và kèn Ma nhí, bà dạy lại cho con cháu những điệu múa truyền thống, những làn điệu dân ca, hát ru và góp công phục dựng các lễ hội truyền thống…
Năm 2004, bà Đặng Thị Thanh là 1 trong 3 nghệ nhân đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đến năm 2015, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Bà Thanh chế tác sáo Cúc kẹ và giới thiệu với mọi người cặn kẽ về cây sáo này
Sáo Cúc kẹ không thể thiếu trong mỗi ngày vui
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh thổi sáo Cúc kẹ dưới cầu thang nhà sàn truyền thống của người Xa Phó
Chỉ dạy cho lớp trẻ về sáo Cúc kẹ
Cây sáo Cúc kẹ đã theo bà Thanh mấy chục năm
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh và các nghệ nhân Xa Phó trong điệu xòe truyền thống
Tuấn Xuân/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận