Nguyên vật liệu để người Thái làm rượu cần có gạo nếp, hoặc ngô nếp được ngâm qua đêm, đãi sạch để ráo nước. Không thể thiếu ít vỏ trấu sạch, lưu ý chỉ dùng vỏ trấu thóc nếp khi rửa chìm xuống đáy, còn phần nổi lên thì vớt đi.
Trộn đều cả gạo và vỏ trấu đã ráo nước, cho vào chõ xôi chín. Sau khi chín đổ ra quạt, đảo cho xôi bốc bớt hơi nóng. Khi xôi đã nguội, giã men thành bột mịn, sau đó trộn đều vào xôi. Loại men này là do bà con tự làm bằng bột gạo và cây rừng, nhiều loại thuốc quý có hương thơm, vị ngọt, khác với men rượu để chưng cất.
Rượu được ủ khoảng 3 ngày, khi đã ngấu và có mùi thơm thì bà con sẽ cho vào chum. Miệng chum được lót một lượt lá chuối, sau đó trộn một ít do bếp củi hoà với nước tạo quánh rồi đổ vào miệng chum cho kín, hoặc có thể dùng miếng ni lon buộc chặt lại không cho hơi thoát ra ngoài.
Rượu cần được đồng bào Thái Tây Bắc mang ra mỗi khi có cuộc vui. Ảnh: baomoi.com
Bà Quàng Thị Thăng, người chuyên sản xuất rượu cần ở bản Là, thành phố Sơn La, cho biết: “Men rượu cần là men quả, quả bé. Nhà tôi vẫn thường làm rượu cần để bán, người biết thì khắc đến đặt mua. Đặc biệt là những ngày lễ, ngày tết, 2/9, vui bản vui mường, mừng nhà mới... thì bà con đến mua".
Rượu cần sau khi ủ khoảng 10 ngày thì có thể uống được. Bà con bỏ nắp đậy miệng chum ra, dùng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội rót vào chum. Một chum rượu cần ít nhất 4 cái cần cắm vào để hút rượu. Cần rượu được làm bằng cây trúc nhỏ có thể uốn cong mà không bị gãy.
Chum rượu cần thường được đặt ngày giữa nhà. Người già, có uy tín trong mâm cơm hoặc khách quý sẽ được gia chủ mời ra uống rượu cần trước. Cách mời uống rượu cần của đồng bào Thái cũng có câu, có vần, khiến cho người được mời không thể nào từ chối.
Ông Quàng Xương Hặc ở bản Pu Viêng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Rượu cần còn gọi là rượu sừng, có từ xa xưa. Khi uống rượu phải có cóng mời rượu, mời mọi người cùng cầm cần rượu này theo tôi nhé, rượu này rượu nếp nương tôi gieo, rượu nếp ruộng có sức trâu cày kéo, mời mọi người cùng thưởng thức chung vui ...".
Khi uống rượu cần, bà con thường dùng sừng trâu để làm dụng cụ đong đếm khi mời khách uống rượu và có một người đứng ra cầm sừng trâu mời mọi người. Mỗi người hoặc mỗi tốp thay phiên nhau uống. Có nơi, có thể mời nhau uống rượu cần trước hoặc sau khi ăn uống xong, vừa uống rượu cần vừa múa hát quanh chum rượu cần.
Rượu cần dễ làm và được đồng bào Thái vùng Tây Bắc duy trì trong các gia đình mỗi khi có cuộc mừng nhà mới, cưới xin hoặc ngày lễ, ngày tết. Có chum rượu cần đặt giữa vòng xoè, càng làm cho mọi người gần nhau hơn, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt hơn.
Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận