Tại các vùng Sủng Là, Lũng Cú hay dọc quốc lộ 4C, khi những thảm hoa tam giác mạch chuyển dần từ trắng sang hồng và trở thành tím sẫm là khi những hạt tam giác mạch bắt đầu hình thành. Đến mùa thu hoạch, thông thường vào cuối tháng 5 và cuối tháng 12 hàng năm, đồng bào sẽ đem hạt về phơi khô. Những hạt tam giác mạch sẽ được dùng để làm bánh tam giác mạch - một loại bánh màu tím hồng, mềm, xốp có vị thanh ngọt rất riêng của núi rừng vùng cao.
Chiếc bánh to tròn chừng 20cm, dày 2cm, rất mộc mạc, nhưng để làm ra nó không hề đơn giản, đòi hỏi khá nhiều công đoạn. Hạt tam giác mạch bé xíu nhưng lại giàu chất dinh dưỡng, không kém gì hạt gạo hay hạt ngô. Trong hạt tam giác mạch có nhiều khoáng chất như sắt, kẽm rất tốt cho sức khỏe.
Nướng bánh tam giác mạch bán ở chợ phiên. Ảnh: TTO
Sau khi hạt tam giác mạch đã được phơi khô, đồng bào đem giã tách vỏ và xay thành một thứ bột thật mịn. Hạt tam giác mạch phơi khô đến chừng nào là một bí quyết. Nhưng vất vả nhất chính là công đoạn xay nhỏ. Khó nhất là phải xay bằng tay và phải rất khéo léo để cho ra mẻ bột thật mịn, nếu không, bánh sẽ bị lợn cợn, khó ăn.
Sau khi xay, đem thứ bột này trộn với bột gạo. Gạo dùng làm bánh tam giác mạch phải cứng. Đồng bào Mông ở đây bảo: nếu gạo mềm thì bánh cũng bị mềm ăn không ngon. Gạo đem ngâm nửa ngày, rồi cho vào máy xay thành bột, nhưng phải xay ướt, không được xay khô.
Khi trộn 2 loại bột cần thêm một lượng nước vừa đủ, sau đó cho vào khuôn, nặn thành bánh và đem hấp chín. Khi chuẩn bị ăn, bánh được đem nướng trên bếp than hồng cho vàng thơm. Kinh nghiệm của đồng bào Mông là muốn bánh ngon, phải cho một ít đường vào. Khi nhào bột phải nhào thật nhuyễn. Đặc biệt, khi nướng phải lật bánh liên tục, nếu không bánh sẽ không vàng đều.
Điểm đặc biệt của loại bánh tam giác mạch là chỉ phụ nữ Mông mới làm. Phụ nữ Mông cứ truyền dạy cho nhau từ đời này sang đời khác: bà dạy cho mẹ, mẹ dạy lại cho con, cứ thế, từ đời này qua đời khác. Thiếu nữ học làm bánh từ khi 15, 20 tuổi. Chiếc bánh tam giác nóng hổi, lấy ra từ bếp than hồng, đã trở thành niềm tự hào của riêng họ, đặc biệt là từ khi loài hoa tam giác mạch được coi như một “thương hiệu riêng” của tỉnh vùng cao này.
Thu Hà/VOV4
Viết bình luận