Từ những nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên, đồi núi, ao, rừng, qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, đã chế biến thành những món chấm thơm ngon khó quên.
Nguyên liệu để làm món chấm này rất đặc biệt, từ con " hén", theo tiếng Thái, là một loài côn trùng nhỏ, màu đen, sống ở ven sông, suối.
Con hén chỉ xuất hiện vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Ở những ao, hồ cạn vào mùa mưa đầy nước, trên mặt hồ sẽ xuất hiện loại hén này.
Bà con đóng bè ra giữa hồ vớt hén về làm mắm. Năm nào mưa nhiều thì mới có, năm nào mưa ít thì hén không xuất hiện.
Theo những người chuyên chế biến món mắm hén ở Sơn La, để có món mắm hén, trước tiên, hén đem rửa sạch, để ráo nước rồi trộn với muối, cho vào vại ủ. Tỉ lệ muối phải hợp lí, nếu cho quá nhiều mắm sẽ bị mặn, quá ít thì hén lại không chín và dễ chua. Trung bình một cân hén cho từ 2 đến 2,5 lạng muối là vừa.
Để làm được món mắm hén thơm ngon, các nguyên liệu dùng để trộn không thể thiếu là ớt, tỏi và rượu trắng.
Hén sau khi trộn muối ủ được 20 ngày đến một tháng là mang ra trộn hỗn hợp ớt, tỏi, rượu trắng.
Ớt chọn những quả chín đỏ đem đun lên, khi nào mềm thì vớt ra để nguội, cắt thành miếng nhỏ, hoặc say nhuyễn, tỏi bóc vỏ rồi đập dập, tất cả trộn với nhau và cho thêm một ít rượu trắng rồi đảo đều, cất vào vại đậy kín khoảng 10 ngày là có thể ăn được.
Khi đem mắm hén ra ăn, mắm hén có màu đỏ au, đặc sánh, mùi thơm đặc biệt của hén chín hòa mùi thơm của ớt, tỏi.
(Mắm hén có màu đỏ au và mùi thơm của tỏi, ớt)
Món chấm mắm hén rất hợp với xôi nếp nương, măng lay, măng loi luộc, đây là những loại măng chỉ có ở vùng Tây Bắc. Ngoài ra, có thể lấy trứng trộn đều với mắm hén chưng lên, tạo thành một món ăn thơm ngon.
Cũng như nhiều món chấm khác, ngày trước, đồng bào người Thái làm mắm hén để dự trữ thức ăn lâu dài. Ngày nay, món chấm này trở thành đặc sản mà người Thái dành để tiếp đãi bạn bè, khách quý, trong những cuộc vui gia đình. Món chấm này cũng đã có mặt ở các nhà hàng đặc sản để phục vụ du khách.
Cùng với mắm hén, các món chấm của đồng bào Thái Sơn La được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hương vị đậm đà, thơm ngon, cay nồng của mắm hén làm mâm cơm của bà con thêm đậm đà, hấp dẫn, đậm chất văn hóa dân tộc./.
Lường Huyền/VOV Tây Bắc
Viết bình luận