Rượu cần, đặc sản của người Raglai ở Ninh Thuận
Thứ hai, 00:00, 25/09/2017
VOV4.VN - Rượu cần là đặc sản của tộc người Raglai, dùng trong sinh hoạt đời thường, cúng tế thần linh và lễ hội cộng đồng. Theo anh Tà Thía Banh, ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, đồng bào Raglai ở Phước Hà xem rượu cần là thức uống quan trọng, giá trị, nhất là trong nghi lễ mừng lúa mới.

 

Trong lễ hội, rượu cần giữ vai trò là lễ vật kính dâng lên các thần linh, giao tiếp với các đấng siêu linh. Với bạn bè, là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, hẹn hò, nhắn nhủ công việc, giao kết tình duyên đôi lứa… Trước khi thực hiện giao lưu tình cảm, rượu cần làm nghĩa vụ thông báo, dâng mời, cầu xin các thần linh chứng giám hoặc ban phước.

Phong cách ăn uống của người Raglai trong lễ hội cũng như trong gia đình luôn có sự sắp xếp theo trình tự, tôn trọng lẫn nhau, kính trên nhường dưới rõ ràng: người lớn tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, ông bà, cha mẹ được dùng trước, sau đó mới đến người trẻ. Hoặc khi có khách đến nhà, thì phải ưu tiên cho khách, sau đó mới đến người trong nhà.

Uống rượu cần còn thể hiện sự đoàn kết, công bằng đến từng giọt cuối cùng. Khi chiếc cần vắt xuống, người uống trước sẽ uống hết và chuyển cho người bên cạnh. Nước lại được đổ đầy vào một chén và đến người thứ hai, cứ thế xoay vòng cho đến khi nào nhạt rượu thì thôi.

Anh Tà Thía Banh bảo: “Việc uống rượu cần thể hiện tính đoàn kết rất cao. Khi uống phải có 5 – 10 người, có lúc thì 2-3 người, không uống một người được. Dịp tết, đám cưới, đám tang, lễ ăn đầu lúa hoặc tiếp khách đặc biệt thì mới uống rượu cần, còn bình thường không uống rượu cần”.

Rượu cần là thức uống đặc sản của người Raglai ở Ninh Thuận. Ảnh: baomoi.com

Ngày xưa, người dân làm rượu cần từ một loại men được làm từ rễ cây rừng cùng với gạo, ớt, riềng… giã chung trộn thành men mồi, rồi dùng men này ủ với bắp, mì hay bo bo. Ngày nay, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, các nguyên liệu trong rừng ngày một hiếm đi nên bà con không còn làm men nữa mà hầu hết mua men làm sẵ, nấu với gạo ngon. Cách làm thì không thay đổi nhiều so với ngày xưa.

Để có được ché rượu, phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng… để chế rượu đạt chất lượng cao nhất. Gia đình Raglai nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ pha trộn là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong nhà. Do đó, rượu có hương vị khác nhau theo sở thích của từng gia đình.

Ông Ô Rai Hồng, ở Phước Hà, nói: “Ai cũng biết làm rượu cần, nhưng nếu không có kinh nghiệm thì hư cũng có, chua cũng có, nhạt cũng có… 1 bao gạo thì làm được 7 ché rượu, tùy thuộc vào cách thêm men, men nhiều uống sẽ thấy đắng mà ít thì nhạt. Có 2 cách uống: khách thì mình mời uống trực tiếp trong ché, uống bình thường thì mình đổ ra ly”.

Người Raglai rất hiếu khách, vì vậy trong nhà luôn luôn có 1,2 ché rượu cần để đãi khách. Khi uống rượu cần, họ sẽ mời khách dùng kèm món thịt heo đen và gà núi.

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC