Đối với người Dao ở Yên Bái, chuẩn bị đón Tết là một công việc hết sức quan trọng, bắt đầu từ những ngày cuối tháng Chạp. Trước Tết, mọi người tranh thủ làm mùa vụ, thu hoạch nốt những sản phẩm nông sản cuối cùng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm và các vật phẩm phục vụ cho lễ cúng tổ tiên như: thịt gà, thịt lợn cho đến hoa quả, rượu….Trong đó, bánh trưng gù là một loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Dao đỏ Yên Bái.
Về cách làm loại bánh này, bà Đặng Thị Tiện, người Dao đỏ ở làng văn hóa Cẩu Vè, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Để làm được chiếc bánh gù, phải thật sự khéo léo, từ việc chọn gạo, lá, đỗ, thịt và cách gói nữa. Khi gói thì đặt lá dong xuống bàn, cho gạo nếp vào sao cho vừa chiếc lá, nhiều gạo quá gói không được mà ít quá thì chiếc bánh không đẹp. Sau đó trộn thêm đỗ nho nhe và thịt, gấp 2 mép lá dong lại với nhau, gói xong lấy lạt buộc chắc lại, rồi đem đi ninh trong 8 tiếng”.
Lễ cúng tổ tiên là một nghi thức quan trọng trong Tết của người Dao đỏ Yên Bái. Vào đêm giao thừa, các gia đình chuẩn bị mâm cơm đầy đủ với các món ăn như gà luộc, xôi, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả và rượu. Lễ vật được bày biện trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, với mong muốn tổ tiên phù hộ cho gia đình sức khỏe, bình an, và mùa màng bội thu. Sau khi cúng tổ tiên, các gia đình tổ chức các nghi lễ xua đuổi tà ma, bảo vệ bản làng khỏi những điều xui xẻo. Khi Giao thừa đến, gia đình quây quần bên nhau, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau thưởng thức những món ăn đã chuẩn bị sẵn.
Sáng ngày mồng một Tết, các gia đình Người Dao đỏ sẽ chuẩn bị 1 mâm cơm để đón khách vào “xông đất, xông nhà”. Mâm cơm rất phong phú và đa dạng, thể hiện sự quý trọng đối với tổ tiên và khách mời. Ngoài bánh trưng, người Dao Yên Bái còn có những món ăn đặc trưng như xôi gấc, thịt lợn luộc, thịt gà nướng, cơm lam và các loại rau củ luộc...
Đặc biệt, rượu ngô không thể thiếu trong các bữa cơm ngày Tết của người Dao đỏ. Trong mâm cơm, gia chủ và khách cùng uống để cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới và chúc nhau sức khỏe, những điều may mắn, tốt lành. Người lớn sẽ lì xì cho trẻ em những phong bao đỏ với mong muốn cầu chúc cho các em sức khỏe, học hành giỏi giang và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Sau đó, mọi người trở về nhà, thăm bà con, làng bản và trao nhau những lời chúc tốt đẹp.
Ông Triệu Xuân Hoàn, người dân ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Trước đó, gia chủ phải nhờ khách đến xông nhà vào ngày mồng một Tết. Người đến xông nhà phải là đàn ông và có tuổi hợp với gia chủ, trong mâm cơm, gia chủ sẽ rót rượu cảm ơn khách đến xông nhà, cùng chúc tụng nhau sang năm mới sức khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới, những điều không may mắn sẽ xua đi cùng năm cũ”.
Trong những ngày Tết, bà con người Dao đỏ sẽ chọn cho mình những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để đi du xuân, cùng nhau hát đối là những hoạt động không thể thiếu, vừa mang tính giải trí vừa thể hiện bản sắc dân tộc. Các trò chơi dân gian như kéo co, đi cà kheo cũng được tổ chức, tạo không khí vui vẻ và tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
“Ngày Tết tôi sẽ ăn mặc trang phục của dân tộc mình đi chơi Tết cùng bà con trong bản, kể cho nhau nghe những câu chuyện của năm cũ. Hy vọng sang năm mới mọi điều tốt lành, gặp nhiều may mắn, làm ăn được hơn năm cũ.” - Bà Triệu Thị Tiếp ở thôn Hai Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói.
Qua mỗi mùa Tết là mỗi người con của đồng bào Dao đỏ càng thêm ghi nhớ nguồn cội và cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.
Viết bình luận