Hương sắc ngày Tết từ chiếc bánh chưng của người Thái
Thứ bảy, 16:43, 25/01/2025 Cà Thành/VOV Tây Bắc Cà Thành/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Cũng giống như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, từ xa xưa gói bánh chưng luôn được người Thái chú trọng trong những ngày tết. Với đồng bào Thái, chiếc bánh chưng chính là hương sắc của ngày Tết. Bánh chưng để thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ ơn công lao ông bà, bố mẹ nuôi dưỡng, sinh thành.

 

Ngay từ mùa vụ gieo trồng, bà con các bản làng dân tộc Thái đã chọn và gieo trồng lúa nếp tan để dành cho ngày tết, thường là một loại nếp của địa phương rất dẻo, thơm ngon và được nhiều người ưa chuộng dùng gói bánh chưng tết. Ông Lò Pánh Cương ở xã Sam Mứn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: "Từ ngày xưa bà con hay trồng giống lúa nếp tan thơm, nếp tan nông, tan dúa, tan lai, chọn nơi đất phù hợp để trồng. Thu hoạch về bà con để dành đến tết để gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên.”

Trước tết khoảng 20 ngày, bà con vào rừng hái lá dong, chặt cây giang (mạy hang) về chẻ làm lạt buộc bánh chưng, loại cây này chẻ ra rất dẻo làm lạt buộc bánh. Khoảng 28 đến 30 tết, bà con chuẩn bị gạo, nhân thịt lợn, đậu xanh hoặc đỗ nho nhe, có nơi thì chọn lạc nhân để chuẩn bị gói bánh chưng. Sau khi đãi sạch gạo, nhân đậu, đỗ được ngâm qua đêm xôi chín cho vừa muối để gói bánh. Lá dong sau khi rửa sạch để khô ráo nước, bà con cắt phần cứng trên lá để gói cho mềm.

Bánh chưng ngày Tết của đồng bào Thái thường có 2 loại là bánh chưng ống và bánh chưng gù. Để gói bánh chưng ống, bà con chọn lá dong to, dài, rải gạo lên trên mặt lá. Cho nhân thịt, đậu hoặc đỗ vào và rải lên trên một lớp gạo, sau đó cuốn lá dong lại. Lấy lạt buộc lỏng bánh ở đoạn giữa, dựng bánh lên cho 2 cái lạt vắt chéo nhau để cột 2 đầu bánh cho chắc. Gấp cuốn 1 đầu bánh xong quay lại gấp cuốn đầu kia cho kín và tiếp tục lấy lạt buộc thành từng đoạn nhỏ như buộc giò để khi luộc bánh không nứt, nước không thấm vào trong bánh.

Bà Lò Thị Phiên ở bản Phiêng Xay, xã Hát Lót huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết :“Cả năm mới có một lần nên gia đình tôi luôn chú trọng việc gói bánh chưng để thờ cúng tổ tiên, cầu mong năm mới ăn nên làm ra. Khâu luộc bánh cũng phải luôn chú ý đun lửa đều không to quá không nhỏ quá để bánh chín đều. Cũng phải chú ý lượng nước đun bánh vừa đủ, không để nước cạn sẽ cháy bánh”

Bánh chưng gù dễ gói hơn, chỉ cần chọn lá dong to có thể cắt đầu lá hoặc không cắt. Khi gói rải gạo trên lá, cho nhân thịt, đậu hoặc đỗ, lạc, thường hay cho gạo nhiều ở phần giữa để tạo nên hình như quả núi (gù) và gấp lá chéo nhau chứ không theo một chiều để cho lá gói kín bánh. Gói xong có thể đặt bánh để đấy, gói tiếp cái thứ 2. Khi xong lấy 2 cái bánh ốp vào nhau, lấy lạt buộc chặt, mặt gù của 2 cái bánh quay ra ngoài. Khi đã hoàn thành các công đoạn gói bánh, bà con cho lá dong không dùng đến để lót đáy nồi và xếp bánh vào nồi đun trong khoảng 12 tiếng đồng hồ. Bánh chín vớt ra rửa sạch nước bằng nước lã, sau đó treo cho ráo nước rồi mang lên thờ cúng tổ tiên trước, sau đó con cháu mới được thưởng thức. Bánh chưng chín có mùi thơm của gạo nếp, ăn ngon đậm vị, bùi của nhân lạc, nhân đỗ, đậu. Bánh chưng ống, bánh chưng gù của đồng bào Thái rất dễ ăn vì một cái bánh cắt ra vừa cho một hoặc 2 người ăn.

Ông Lò Pánh Cương ở xã Sam Mứn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Bà con người Thái vùng lòng chảo Mường Thanh-Điện Biên hay gói bánh chưng gù. 2 cái bánh được buộc chặt với nhau tượng trưng cho sự hạnh phúc, sung túc, là phước lành của con người nên năm mới sắp đến nhà nào cũng gói bánh chưng thờ cúng tưởng nhớ đến công lao của ông bà tổ tiên”.

 Trước đây bà con người Thái chỉ gói bánh chưng để thờ cúng tổ tiên và để ăn trong những ngày tết. Ngày nay, bánh chưng ống, bánh chưng gù của đồng bào được bày bán trong các chợ quê ở bản làng miền núi và trở thành nét văn hóa gần gũi, thân thuộc ở vùng cao./.

 

Cà Thành/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC