Ngày hội văn hóa các dân tộc rất ít người được tổ chức vào tuần đầu tháng 11 dương lịch, khi mùa thu hoạch của đồng bào đã khép lại. Với những sắc màu tươi tắn, rực rỡ trên bảng màu phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ngày hội văn hóa này là sự tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người ở Việt Nam, đồng thời góp phần nhân lên lòng tự hào dân tộc, cũng như về những thành tựu đã đạt được của bà con trong quá trình gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa riêng hết sức độc đáo.
Nghệ nhân dân gian Thẩm Dịch Thọ, người dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ chân thành: “Lâu lắm rồi chúng tôi không tổ chức được một lễ nghi nào của dân tộc Ngái. Ngày hội như hôm nay chúng tôi mới mặc trang phục, nam nữ đều mặc, tôi thấy ý nghĩa rất tuyệt vời, từ trước đến nay Đảng Nhà nước quan tâm tới DTTS ít người như chúng tôi, bà con vui lắm, nhiệt tình đến đây tham dự ngày hội, tôi mong muốn Ngày hội mang đến ý nghĩa thực tế, truyền đạt tiếng dân tộc tôi, bản sắc văn hoá dân tộc chúng tôi đến các dân tộc khác, đến những người dân Ngái ở khắp nơi được biết”.
Dù vừa mới hồi phục sau một tai nạn, người nghệ nhân hơn 70 tuổi này vẫn nhiệt tình cùng các cháu học sinh dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên lên sân khấu tham gia một chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc mang nét riêng, độc đáo của dân tộc mình. Tự ông sáng tác bài “Trông trăng” bằng tiếng dân tộc Ngái, rồi động viên các cháu thanh thiếu niên cùng tập luyện hàng ngày nhuần nhuyễn để mang đi hội diễn.
Chia sẻ vì sao luôn giữ tinh thần nhiệt tình truyền dạy dân ca truyền thống cho các thế hệ sau, nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ cho biết: ông không ngại tuổi tác hay sức khoẻ, chỉ biết mình cố gắng mỗi ngày một chút thì những câu hát cổ của dân tộc Ngái sẽ không bị lãng quên. Điều mong muốn nhất của ông hiện nay là bản sắc văn hoá dân tộc Ngái không bị hoà tan khi sống trong cộng đồng các dân tộc Kinh, Sán Dìu, Tày, Thổ trên địa bàn tổ dân phố: “Tôi suy nghĩ rất nhiều về bản sắc dân tộc Ngái, mong muốn khôi phục lại bản sắc văn hoá dân tộc, chúng tôi muốn Đảng Nhà nước quan tâm xây nhà cộng đồng để lớp nghệ nhân cao tuổi dạy các cháu ngôn ngữ, tiếng nói, tiếng hát của dân tộc Ngái. Rất nhiều bậc phụ huynh bảo nếu làm được cái nhà cộng đồng dạy tiếng cho các cháu thì chắc chắn sẽ cho con đi học, theo tôi đấy là vốn quý của những cộng đồng yêu dân tộc mình”- nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ nói.
Trở lại Lai Châu, sau lần đầu tiên được là đại biểu Hội đồng nhân dân xã đi tham quan các tỉnh phía Bắc năm 2004, nghệ nhân dân gian Lô Xuân Tình, người dân tộc Ơ-đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An nhận thấy nhiều sự đổi thay khi gặp gỡ, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc rất ít người nơi cuối trời Tây Bắc. Là tộc người có số dân ít nhất Việt Nam với khoảng 500 người, sinh sống lâu đời tại tỉnh Nghệ An, nghệ nhân Lô Xuân Tình tự hào khi dân tộc ông còn giữ nguyên được tiếng nói, chữ viết cổ, trang phục dệt thổ cẩm, những phong tục tốt đẹp trong lễ ăn cơm mới, cách thức trồng tỉa trong lao động sản xuất… Điều tự hào nhất về dân tộc mình, đó là “tinh thần đoàn kết của bà con xóm làng, anh em họ hàng, sống tập trung bản trên bản dưới, có công việc gì trong thôn bản, đám cưới đám tang là giúp nhau trong phạm vi điều kiện hoàn cảnh của mình”- nghệ nhân Lô Xuân Tình chia sẻ.
Người Ơ Đu có ngày tết rất độc đáo, ngày hội lớn nhất là lễ Tết sấm đầu năm. Vào những ngày đầu năm, họ cùng nhau mong ngóng trời đất và khi xuất hiện tiếng sấm đầu tiên chính là khi họ bắt đầu đón ngày Tết, mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng… Và lần này, lễ tết sấm độc đáo được nghệ nhân Lô Xuân Tình cùng đoàn diễn viên quần chúng dân tộc Ơđu phục dựng trên sân khấu ngày hội.
Từ người Lự, người Cống, người Si La, người Mảng ở Lai Châu đến người Bố Y ở Lào Cai, người Lô Lô, Cơ Lao, Pu Péo, Pà Thẻn ở Hà Giang; người Ơ Đu ở Nghệ An, người Chứt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình; tới người B’Râu, Rơ Măm ở Kon Tum… đồng bào tự hào với niềm vui lớn lao được sống trong tinh thần ngày hội. Thông qua các hoạt động phong phú như: giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, trình diễn trang phục truyền thống; giới thiệu sản phẩm văn hóa; trình diễn nghề thủ công truyền thống; thi đấu thể thao…cho thấy sự hiện diện đa dạng, phong phú của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong đại gia đình 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất hình chữ S hùng vĩ.
Anh Sìn Dỉ Gai, dân tộc Lô Lô đen ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang- địa phương làm du lịch cộng đồng đặc sắc, chia sẻ: “Chúng tôi mang tiết mục đi biểu diễn, vừa quảng bá được bản sắc dân tộc Lô Lô, đồng thời cũng để các dân tộc khác và khách du lịch biết đến, người ta sẽ đến địa phương nhiều hơn, thôn Lô Lô Chải hiện làm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, giữ bản sắc dân tộc Lô Lô qua kiến trúc nhà cửa, trang phục, tiếng nói của dân tộc, tất cả các tiết mục múa và các bài hát giao duyên, hát mừng nhà mới, đám cưới…hiện còn giữ nguyên. Các hộ gia đình vừa gìn giữ vệ sinh môi trường, vừa giữ phong tục tập quán, đón được nhiều khách du lịch và có thu nhập cao hơn”.
Tự hào khi dân tộc Lô Lô trên quê hương anh hiện còn giữ lại nguyên bản từ trang phục, tiếng nói, các tiết mục múa lễ hội, nhạc cổ truyền thống, anh Sìn Dỉ Gai cho rằng nguyên nhân chủ yếu là sự vào cuộc của cả cộng đồng dành cho công tác truyền dạy văn hoá, lớp nghệ nhân trước hướng dẫn cho lớp trẻ sau bằng cách thức sáng tạo, mới mẻ, thu hút. “Chúng tôi chủ yếu tập cho đội trẻ vào thứ 6 thứ 7, sau những giờ học ở trường, tại các trường cũng đều có tiết học dạy văn hoá truyền thống, bản thân tôi đi dạy đánh trống đồng của dân tộc Lô Lô, các cháu nhỏ rất thích và tham gia học đầy đủ. Vào ngày lễ tết, cả người lớn trẻ em đều mặc trang phục dân tộc tham gia nhiệt tình. Nếu tỉnh, huyện, xã quan tâm tuyên truyền tới các hộ dân, thì đồng bào rất yêu thích và hưởng ứng các hoạt động gìn giữ văn hoá truyền thống”- anh Sìn Dỉ Gai nói.
Lần đầu tiên trên sân khấu lớn của Ngày hội văn hoá, 450 diễn viên quần chúng bao gồm: học sinh Trường PT Dân tộc Nội trú, sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng, nghệ nhân dân gian… thuộc các dân tộc có số dân dưới 10.000 người cùng trình diễn chung. Các loại nhạc cụ độc đáo cũng lần đầu tiên được mang ra biểu diễn, như: chũm chọe, chuông chùm, sáo mũi, sáo ống dài, trống da thân cây, tang bu, tang bảng, đàn chư ra bon, sáo pí, tinh ninh…với những lựa chọn âm nhạc dân gian, các bài hát dân ca nguyên bản của đồng bào 14 dân tộc rất ít người.
Trước đó 1 tháng, em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 12A5 trường PTDT nội trú tỉnh Thái Nguyên đều đặn hàng ngày hướng dẫn cho các bạn cùng tái hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Ngái, mang tên Hoà bình. Minh tự hào chia sẻ, từ nhỏ đã được xem ông nội là cán bộ văn hoá xã biểu diễn, nên rất nhớ mỗi dịp lễ tết, ngày quốc khánh 2-9, người già người trẻ, nam nữ cùng tay trong tay tạo thành vòng tròn múa quanh đống lửa. Và đến nay phong tục đó vẫn được lưu truyền trên quê hương em. Minh hào hứng bày tỏ: “Em thấy giá trị nhất của văn hoá dân tộc Ngái là điệu nhảy Hoà bình, nam nữ khoác tay nhau nhảy xung quanh 1 vòng tròn. Thời hiện đại, thế hệ trẻ tiếp xúc với văn hoá dân tộc ngày một ít đi, là 1 học sinh dân tộc nội trú thì em muốn đến ngày hội này, em muốn được hát, được nhảy, được tôn lên bản sắc văn hoá dân tộc em cho các dân tộc ở Việt Nam cùng biết đến”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên. Chính những hoạt động chung như “Ngày hội văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất” đã tạo thêm sức mạnh niềm tin cho đồng bào nuôi dưỡng khát vọng, ý chí phấn đấu vươn lên trên hành trình chinh phục thiên nhiên, cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em xây dựng quê hương đất nước ngày càng thêm giàu đẹp.
Một số hình ảnh tiêu biểu trong Ngày hội:
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận
Tin liên quan
Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực phía Bắc
VOV4.VOV.VN - Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ các cấp luôn nỗ lực, nhạy bén, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Cán bộ nữ đồng hành, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm cùng với lãnh đạo các địa phương vượt qua khó khăn, thách thức. Những phẩm chất đó cần được phát huy hơn nữa, đặc biệt trong Hội phụ nữ vùng DTTS.
Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực phía Bắc
VOV4.VOV.VN - Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ các cấp luôn nỗ lực, nhạy bén, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Cán bộ nữ đồng hành, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm cùng với lãnh đạo các địa phương vượt qua khó khăn, thách thức. Những phẩm chất đó cần được phát huy hơn nữa, đặc biệt trong Hội phụ nữ vùng DTTS.
Hiệu quả mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”
VOV4.VOV.VN - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên có gần 108 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó gần 80% số hội viên là người dân tộc thiểu số. Để giúp hội viên từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình", Hội phụ nữ các cấp ở Điện Biên ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình Đại gia đình các DTVN ngày 17-10-2023)
Hiệu quả mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”
VOV4.VOV.VN - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên có gần 108 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó gần 80% số hội viên là người dân tộc thiểu số. Để giúp hội viên từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình", Hội phụ nữ các cấp ở Điện Biên ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình Đại gia đình các DTVN ngày 17-10-2023)
Hà Giang hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế
VOV4.VOV.VN - Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Hà Giang, nhiều cặp vợ chồng trẻ là người DTTS đang cùng nhau gánh vác, san sẻ công việc gia đình; người phụ nữ được hưởng quyền thừa kế, được tham gia quyết định nhiều việc quan trọng của gia đình...
Hà Giang hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế
VOV4.VOV.VN - Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Hà Giang, nhiều cặp vợ chồng trẻ là người DTTS đang cùng nhau gánh vác, san sẻ công việc gia đình; người phụ nữ được hưởng quyền thừa kế, được tham gia quyết định nhiều việc quan trọng của gia đình...
Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số - Những tín hiệu tích cực
VOV4.VOV.VN - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao trọng trách triển khai nội dung này. Vậy, thời gian qua chúng ta đã đạt được những bước tiến ra sao về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số? (Chương trình Đại Gia đình các DTVN ngày 12/9/2023)
Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số - Những tín hiệu tích cực
VOV4.VOV.VN - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao trọng trách triển khai nội dung này. Vậy, thời gian qua chúng ta đã đạt được những bước tiến ra sao về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số? (Chương trình Đại Gia đình các DTVN ngày 12/9/2023)