VOV4.VN - Đồng loạt triển khai từ năm 2013, đến nay mô hình “Nhà bán trú cho em” được hầu hết các tỉnh miền núi nhân rộng, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất. Hầu hết các nhà bán trú này được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Nếu như trước đây, chỉ có học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú huyện mới được ăn ở, sinh hoạt tại trường, còn học sinh ở các trường khác, việc đi lại khá là khó khăn, thì nay, nhờ mô hình bán trú, tại những điểm trường lẻ luôn duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt 98-100% học sinh trong độ tuổi. Những hình thức sinh hoạt tập thể thân thiện, gắn kết, mang tính giáo dục cao, cũng là một yếu tố khiến các em yên tâm theo học.
Đầu năm học này, tại xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, các tổ chức Đoàn đã khánh thành công trình thanh niên “Nhà bán trú cho em", sau khi huy động nguồn vốn xã hội hóa được gần 200 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Thanh Huyền, Bí thư huyện đoàn Vị Xuyên- tỉnh Hà Giang phấn khởi: "Có trường bán trú, các em được ăn ở tại trường, được phục vụ hai bữa cơm trưa và tối, có thịt, rau, canh nóng. Chúng tôi rất phấn khởi và sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để mang mái trường ấm áp đến cho nhiều học sinh ở những vùng cao khác trên địa bàn huyện".
Lễ khởi công xây Nhà bán trú cho em ở Lao Chải-Vị Xuyên-Hà Giang
Triển khai xây dựng từ năm 2013, chương trình “Nhà bán trú cho em” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động đã dành được sự quan tâm của cộng đồng, với sự chung tay của rất nhiều nhân vật nổi tiếng, như hoa khôi Thu Hương, diễn viên Chi Bảo, ca sĩ Uyên Linh, Thanh Thảo, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn... Các nhân vật nổi tiếng này dùng uy tín cá nhân để vận động, tạo sức lan tỏa trong các thành phần xã hội, nhất là với giới trẻ và khán giả hâm mộ. Ngoài ra, các ca sĩ cùng ban tổ chức thực hiện nhiều chương trình ca nhạc ở các trường đại học, bán vé gây quỹ.
Năm học này, chương trình hỗ trợ xây dựng thêm 20 điểm “Nhà bán trú cho em” và 60 điểm “Trường đẹp cho em” trên cả nước, tập trung vào 18 tỉnh, thành khó khăn như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn… Trong đó có 10 điểm trường với 22 lớp học xây truyền thống, 1 điểm trường với 2 lớp học và 6 nhà bán trú là nhà lắp ghép. Đặc biệt có 26 điểm trường được xây dựng bằng phương pháp nhà tiền chế do các doanh nghiệp Nhật Bản tài trợ.
Dự kiến,trong giai đoạn tiếp theo, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đặt mục tiêu sẽ vận động các nguồn lực, các nhà hảo tâm xây dựng 20 – 40 điểm nhà bán trú mỗi năm. Mỗi căn trị giá từ 200-500 triệu đồng.
Từ năm 2010 đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Gần đây nhất, Nghị định số 116 của Chính phủ (ra ngày 1/9/2016) quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành:
Học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo. Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/em. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/em. Bên cạnh đó, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/em.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận