Đắc Nông có chính sách riêng hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS
Thứ tư, 00:00, 07/09/2016

(VOV) - Ở tỉnh Đắc Nông, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 1/3. Cùng với các chính sách hỗ trợ chung của nhà nước, tỉnh Đắc Nông có chính sách riêng hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

 

Sắp xếp quần áo, sách vở để chuẩn bị nhập học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, K’Cường, ở bon N’Jiêng, xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, cho biết những năm học phổ thông, em học trong trường dân tộc nội trú, gia đình không phải đóng góp gì. Giờ đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, em cũng yên tâm vì đã có chính sách hỗ trợ của tỉnh Đắc Nông dành cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

 

Mẹ của K’Cường, Amí Vung cho biết gia đình nghèo, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của nhà nước mà các con của chị đều được học hành đầy đủ: “Con đầu của tôi từ lớp 5 đến lớp 9 học ở Quảng Khê, sau đó chuyển về tỉnh học nghề cơ điện, vừa học chữ vừa học nghề, không mất tiền ăn ở, học phí.  Còn Cường thì từ lớp 1 đến lớp 9 học ở đây, sang lớp 10 học nội trú tỉnh, mọi chi phí sinh hoạt ăn ở đều do nhà trường lo hết. Tôi biết ơn sự quan tâm của nhà nước và các thầy cô đã tạo điều kiện giúp con tôi ăn học.  Các con đi học thì gia đình thiếu người lao động nên kinh tế cũng khó khăn. Nhưng tôi cũng cố gắng khắc phục để các con yên tâm học hành cho tốt để tương lai tốt đẹp hơn”.

 

 

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường PTDT nội trú N’trang Lơng (Đắc Nông)

 

K’Tông, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, hiện đang làm hợp đồng tại UBND xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, cho biết cùng với hệ thống trường lớp đã được mở về gần buôn làng, các chính sách hỗ trợ toàn diện dành cho con em người dân tộc thiểu số được thực hiện đã giúp các em yên tâm tới trường tới lớp. Như K’Tông, khi học phổ thông, được cấp sách vở và có tiền hỗ trợ hàng tháng. Khi học Đại học Tây Nguyên, tiếp tục nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh, thậm chí có cả tiền vé xe khách Đắc Nông - Đắc Lắc.

 

“Em chỉ cố gắng đi học thôi, chứ gia đình cũng không có. Ở trường mỗi tháng cấp cho em 140 nghìn đồng, và em về Ban dân tộc tỉnh lấy thêm trợ cấp để đóng học phí. Ví dụ học phí mỗi kỳ 4 triệu chẳng hạn, thì mình lấy tiền gia đình đóng vào, rồi cuối kỳ hoặc cuối năm học thì mình về địa phương lấy lại tiền đó để tiếp tục đầu tư học tiếp. Gia đình em cũng vay vốn ngân hàng chính sách dành cho sinh viên để em đi học”.

 

 

Một lớp học tại Trường tiểu học Vừ A Dính, xã Đắc Som, huyện Đắc Glong

 

Theo bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắc Nông, năm 2005, sau khi thành lập tỉnh mới, nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục trong vùng dân tộc thiểu số, Đắc Nông đã thực hiện riêng một chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. Con em theo học từ bậc trung học cơ sở đến cao đẳng, đại học được hỗ trợ mỗi tháng từ 70.000-300.000 đồng tùy theo cấp học và hỗ trợ thêm tiền xe nếu đi học ngoài tỉnh.  Đến năm 2011, chính sách này đã nâng mức hỗ trợ gấp rưỡi và mở rộng đối tượng thụ hưởng với học sinh tất cả các dân tộc thiểu số ở tỉnh.

 

Chính sách này đã tạo động lực thúc đẩy phong trào học tập trong vùng dân tộc thiểu số ở Đắc Nông. Bằng chứng là số học sinh hàng năm liên tục tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, và không còn tình trạng học sinh người dân tộc thiểu số phải bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Các em cũng phấn đấu học cao hơn.  Năm 2005, cả tỉnh Đắc Nông chỉ có 25 em học cao đẳng, đại học; thì đến nay, chỉ riêng số sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học đạt danh hiệu khá, giỏi được tỉnh khen thưởng hàng năm là trên 800 em. Nhiều em đã ra trường về địa phương công tác, bổ sung nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.

 

Ông Y Thái, Phó trưởng Ban dân tộc - Hội đồng nhân dân tỉnh Đắc Nông, khẳng định các chương trình, chính sách ưu tiên của nhà nước đã tạo được phong trào học tập ở Đắc Nông, nâng dần hiệu quả giáo dục trong vùng dân tộc thiểu số.  Chính vì vậy mà tại kỳ họp vừa kết thúc hôm 1/9, HĐND tỉnh Đắc Nông đã tiếp tục thông qua Nghị quyết ban hành chính sách dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020.  Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, thay vì hỗ trợ cho toàn bộ học sinh người dân tộc thiểu số, thì chính sách mới sẽ tập trung vào những con em thuộc diện khó khăn.

 

 

 

Minh Huệ/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC