(VOV) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Kon Tum. Tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt trên 360.000ha, bằng khoảng 60% diện tích rừng của tỉnh. Thực tế cho thấy chính sách này đang tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để các chủ rừng và người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng.
Xã Đắc Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, có 3.700ha rừng tự nhiên, hầu hết diện tích thuộc diện được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2011 đến nay, 3 đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đắc Tô, Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông và UBND xã Đắc Tờ Kan giao rừng cho cộng đồng, hộ dân và lực lượng dân quân, công an xã quản lý bảo vệ.
Nhờ được hưởng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn được lợi ích và trách nhiệm của người dân, rừng được bảo vệ tốt hơn. Ông A Nhóc, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Tờ Kan, cho biết: “Đắc Tờ Kan thời năm 2007 - 2008, ai cũng biết rất là phức tạp trong việc mua bán, khai thác, cất giấu lâm sản. Khi có chủ trương giao thì giảm hẳn việc bà con tự ý đi khai thác hoặc lâm tặc từ ngoài vào”.
Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: baomoi.com
Được giao khoán quản lý, bảo vệ trên 202 nghìn ha, với đơn giá chi trả từ 200 - 380 nghìn đồng/ha, mỗi năm, gần 9.000 hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum có thêm nguồn thu bình quân mỗi hộ từ 4-6,5 triệu đồng. Thấy được lợi ích, cùng với bảo vệ rừng, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đã tích cực tham gia vào việc trồng và chăm sóc rừng. Chỉ riêng trong năm 2016, người dân địa phương phối hợp với một số đơn vị chủ rừng đã trồng mới trên 1.200ha rừng thay thế.
Anh A Hồng, ở làng Kon Hia 2, xã Đắc Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Bà con nhận thức trồng rừng lợi là lợi của dân mình. Có bảo vệ rừng, rồi có trồng rừng thì có hiệu quả cho con cháu sau này. Được lợi thứ nhất là bà con được lợi tiền phát dọn và đào hố. Thứ hai, được tiền trồng rừng. Nếu cây lớn, Công ty lâm nghiệp Đắc Tô giao cho bà con quản lý, được hưởng tiền môi trường rừng nữa".
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang giúp các chủ rừng là tổ chức nhà nước ở Kon Tum, vốn đang rất khó khăn, hàng năm có thêm nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Theo các công ty lâm nghiệp tại địa phương, khi chưa có chính sách này, ngân sách hàng năm cấp cho doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 15 nghìn đồng/ha. Hiện, số tiền này là trên 200 nghìn đồng, có vùng đạt trên 300 nghìn đồng. Ví dụ như vườn quốc gia Chư Mom Ray mỗi năm được cấp thêm kinh phí trên 3 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên công tác bảo vệ rừng thuận lợi hơn.
5 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã giải ngân cho các chủ rừng gần 400 tỷ đồng, UBND cấp xã giải ngân hơn 43 tỷ đồng.
Dự án “Tăng cường thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển Châu á ADB tài trợ, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, đã tổ chức “Tập huấn thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu WebGis vào công tác nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng”. Nếu được triển khai, Kon Tum sẽ là tỉnh đầu tiên nghiên cứu, sử dụng số liệu kiểm kê rừng gắn với công nghệ viễn thám để phục vụ cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận