Đổi mới giáo dục ở vùng khó
Thứ ba, 00:00, 13/06/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Ở hầu hết các cơ sở giáo dục vùng cao, từ khi triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, chất lượng giảng dạy chuyển biến rõ rệt. Thầy và trò hợp tác nhịp nhàng hơn, học sinh tiếp thu bài tốt, không khí lớp học sôi nổi, “học mà vui – vui mà học”, giúp các em tích cực, chủ động, tự tin trong học tập cũng như trong cuộc sống.

 

Đổi mới sáng tạo ở đâu? Khi nào? Đây là câu hỏi không dễ trả lời đối với giáo dục vùng cao, khi khó khăn thường trực từ cuộc sống sinh hoạt, điều kiện học tập, ăn ở… cơ bản của học sinh còn chưa được đáp ứng.  

 

Nhưng theo ông Trần Văn Kỷ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An, thì khó khăn lớn nhất lại chính từ phía giáo viên: Vẫn còn 1 bộ phận không nhỏ cán bộ giáo viên trong ngành có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, không muốn đổi mới, thiếu nhiệt tình cố gắng nỗ lực. Nguyên nhân thứ nhất đào tạo giáo viên theo cái cũ lâu lắm rồi, lương bổng có mức độ, nên họ không thấy được hiệu quả trong đào tạo đâu mà vất vả. Thứ hai là cơ sở vật chất. Muốn đổi mới thì cơ sở vật chất của trường học phải đi kèm. Ở Nghệ An, vùng sâu vùng xa thì cơ sở vật chất rất khó khăn, từ bàn học đến phòng học, muốn đổi mới sáng tạo cũng khó.

 

Vậy mà ở các địa phương vùng cao đã xuất hiện những tấm gương thầy cô khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh. Như cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh, ở Kon Tum, với những sáng kiến “Kỹ thuật giảm biến và ứng dụng đạo hàm để tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của biểu thức nhiều biến”, “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”, “Thung lũng Măng Đen - mảnh đất bằng trên núi”…; hoặc cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang, tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào các chủ đề: Tình bạn, tình yêu, truyền thống dân tộc, phong tục tập quán cần phát huy, hủ tục lạc hậu cần loại bỏ, các kỹ năng phòng chống lạm dụng tình dục ở trẻ em, kỹ năng phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, tự bảo vệ khi lũ quét, sạt lở đất…

 

Với bậc học mầm non, cần rất nhiều dụng cụ trực quan sinh động, nên cô giáo Nguyễn Thị Mai Xuyên, giáo viên trường mầm non Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã đổi mới từ phương tiện, dụng cụ âm nhạc và cả trang phục cũng phù hợp với từng tiết dạy.

 

Cô giáo Mai Xuyên chia sẻ: Khi tôi đưa ra phương án này nhiều đồng nghiệp thắc mắc kinh phí ở đâu để có được những trang phục đó khi mức thu nhập của giáo viên mầm non không thể đủ tiết dạy nào cũng đi thuê mượn? Tôi nghĩ điều khó sẽ thành đơn giản nếu giáo viên làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, thực sự tâm huyết với nghề, chịu khó tỉ mỉ. Đầu tiên tôi tìm hiểu phụ huynh nào làm nghề may, hay công nhân vải sợi. Tôi vận động phụ huynh tiết kiệm vải vụn, len vụn ủng hộ cho lớp và thiết kế những bộ trang phục (áo tứ thân, khăn…) từ chính những mảnh vải vụn đó. Kết quả là cả cô và trò đều có những trang phục phù hợp, trẻ được múa hát vận động với những bộ trang phục do chính tay mình trang trí, các cháu thích thú và say sưa biểu diễn thật hay, thật đẹp.

 

“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” ở vùng khó.  Ảnh: TTXVN

 

Không chỉ hưởng ứng phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, các nhà trường còn thành lập các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, vừa nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, vừa hướng đến cách làm việc nhóm.

 

Ở trường ĐH Thái Nguyên, con em dân tộc thiểu số từ nhiều địa phương về học, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, tính tự lực, chủ động sáng tạo cũng như giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn nhiều hạn chế. Nhưng nhà trường vẫn mạnh dạn áp dụng cách thức tương tác trong dạy và học, chú ý phát triển năng lực ở từng em sinh viên, sử dụng các phương pháp tích cực trong truyền thụ kiến thức. Dần dần, sau 4 năm học ra trường, khả năng tư duy, năng lực phát hiện và kỹ năng giải quyết vấn đề của các em có những tiến bộ vượt bậc.

 

PGS Trần Thanh Vân, Phó Bí thư công đoàn ĐH Thái Nguyên, cho biết: "Các cơ sở giáo dục của chúng tôi đã thành lập các trung tâm ươm tạo ý tưởng và hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, là 1 trường đóng trên địa bàn miền núi, nên chúng tôi rất quan tâm tới sinh viên dân tộc đến từ những vùng rất khó khăn và xa xôi, khó về cả điều kiện đi lại và kinh tế, nên khi họ ra trường phải tạo được việc làm thu nhập cho chính họ, cho gia đình, làng bản họ thì xã hội mới phát triển được. Chính vì vậy chúng tôi đổi mới sáng tạo trong dạy và học chính là lấy chất lượng chuẩn đầu ra làm mục tiêu hướng tới, lấy người học làm trung tâm. Chúng tôi đã đưa vào các chương trình hành động, thầy phải đổi mới trước. Chúng tôi yêu cầu mỗi thầy cô lên lớp có 5 đầu tài liệu cho mỗi môn học, lấy cái mới của các thầy nghiên cứu cùng với trò".

 

Năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã có hơn 200 nhóm nhà giáo và gần 130 cá nhân đăng ký thực hiện phong trào này. Theo ông Phan Ngọc Tuệ, Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Bắc Kạn, cơ sở vật chất ở các trường vùng cao tuy khó khăn thật, nhưng không phải vì thế mà giảm hiệu quả sáng tạo. Bởi đổi mới phải bắt đầu từ chính nhận thức của con người, của những thầy cô có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

 

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC