Giảm nghèo: cần những giải pháp căn cơ
Thứ năm, 00:00, 04/08/2016

(VOV) - Bình Phước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn thấp, dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo bền vững.

 

Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 – 2015 và định hướng đến năm 2020”, tỉnh Bình Phước đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 7.330 hộ dân tộc thiểu số; đầu tư 101 công trình giao thông nông thôn, 10 công trình điện, 9 trường học, 12 nhà văn hóa; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với số tiền gần 27 tỷ đồng; thực hiện 8 dự án hỗ trợ định canh định cư với tổng kinh phí gần 143 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án…

 

Nhà văn hóa ở làng người dân tộc thiểu số

 

Bênh cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đời sống rất khó khăn, thiếu tư liệu sản xuất, thu nhập chủ yếu từ việc đi làm thuê, mót mủ cao su…

 

Do tập quán du canh du cư, trình độ dân trí thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa ý thức được tầm quan trọng của đất sản xuất nên đã cầm cố, sang nhượng đất. Một số không nhỏ còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Già làng Chang Sray Đơ, ở ấp Sóc Tranh 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành, nói: “Nhà nước cũng quan tâm cấp đất sản xuất, đất ở, rốt cuộc rồi cũng đem bán. Người ta không có tiền, người ta bán đất, dần dần mất hết. Thua là thua chỗ đó, có khi bán cả nhà luôn, bởi vì bà con cực khổ quá mà”.

 

Nghèo đói đã gây ra những vấn đề bất ổn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, cầm cố đất, sang nhượng đất… dẫn đến tình trạng mất đất, mất vườn điều, mất tư liệu sản xuất, thậm chí mất luôn cả nhà ở được hỗ trợ. Nguồn thu nhập chính không còn, làm cho cuộc sống của bà con vốn đã khó lại càng khó hơn.

 

 

Một công trình nước sạch tập trung đã xuống cấp

 

Ông Điểu Beo, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, một trong 9 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước, cho biết: “’Tình trạng bán đất, cầm cố hay sang nhượng đất đang rất phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào ở đây đời sống rất khó khăn, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất vườn trái phép rất phức tạp. Chúng ta biết mà, đồng bào thì nhẹ dạ cả tin, rồi nhận thức không bằng người ta được, một số đối tượng đến nói thế này thế kia đồng bào nghe lời, mượn cái này chồng lên cái kia, nợ quá nhiều cuối cùng đồng bào phải bán đất, cầm đất. Đấy là cái khó nhất”.

 

Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án thuộc khung chương trình giảm nghèo. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã quy hoạch trên 494 ha đất để cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú; giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho gần 2.800 lao động người dân tộc thiểu số… 

 

Ông Nguyễn Lương Nhân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho rằng: “Khi mà chúng ta có một khoản tiền ứng trước để bà con mua phân bón, công cụ, vật tư sản xuất, tiền ứng ra sẽ cho bà con vay với lãi suất thấp. Nếu chúng ta không ứng trước, bà con sẽ đi vay ngoài với lãi suất cao và điều này có thể dẫn đến khả năng khó chi trả, nếu không khéo thì sẽ bị các tư thương lợi dụng chiếm lấy đất. Nếu chúng ta ứng trước, giúp cho bà con không phải đi vay nóng, tránh lãi suất cao, tránh trường hợp bán điều non, rồi cầm cố đất”.

 

Theo số liệu năm 2015, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở Bình Phước là 6.490 hộ, chiếm trên 44% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Số hộ nghèo dân tộc thiểu số tập trung vào các dân tộc tại chỗ như S’tiêng, M’nông, Khmer…

 

 

 

Bài và ảnh: Thụy Sỹ/VOV-TP.HCM

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC