Giữ rừng bằng phí dịch vụ môi trường rừng
Thứ ba, 00:00, 26/07/2016

(VOV) - Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã làm tăng đáng kể hiệu quả bảo vệ - phát triển rừng tại Kon Tum. Đây là lời khẳng định từ thực tế, khi tại tỉnh Kon Tum hiện có 157.000 ha rừng thuộc lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng được giao khoán cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng, và thôn làng. Số vụ xâm hại rừng đã giảm hẳn.

 

Năm 2015, làng Đắc Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, nhận quản lý bảo vệ hơn 8ha rừng đầu nguồn trên địa bàn xã. Sau khi bàn bạc, dân làng thống nhất thành lập 4 tổ quản lý bảo vệ rừng, xây dựng hương ước trong đó quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt đối với hành vi phá hoại rừng. Hơn 1 năm qua, diện tích rừng đầu nguồn giao cho làng Đắc Wơk được người dân bảo vệ chặt chẽ.

 

Anh A Cườngg cho biết: “Có ai đó vi phạm, ví dụ như người trong thôn hoặc là người ngoài, biện pháp thứ nhất ở mức độ nhẹ là Ban quản lý của thôn, của tổ đi nhắc nhở. Còn lần thứ hai sẽ xử phạt ví dụ như xử phạt con gà này, rồi con heo".

 

Một góc rừng Kon Plông. Ảnh: baomoi.com

 

Tại huyện Kon Plông, chỉ riêng một đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Plông đã giao cho 665 hộ dân với 7 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, quản lý bảo vệ trên 20.700/56.500 ha rừng mà đơn vị này được tỉnh Kon Tum giao quản lý bảo vệ. Kết quả cho thấy trong 5 năm qua, trên lâm phần của Công ty không xảy ra cháy rừng. Số vụ phá rừng làm nương rẫy, số vụ khai thác lâm sản trái phép giảm đáng kể.

 

Anh A Pan, thôn trưởng làng Vi ô lắc, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, cho biết: “Trước kia chưa giao cho bà con, hộ dân họ phát rẫy xung quanh. Giao cho cộng đồng rồi là bà con nghiêm túc không bao giờ lấn chiếm nữa. Trong một tháng, nhóm hộ đó ai cũng đi kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và nói với họ đây là Đảng, Nhà nước đã giao cho làng chúng tôi, anh đừng có nên sai phạm. Nếu anh không nghe già làng với thôn thì tôi sẽ mời anh lên xã làm việc với UBND xã”.

 

Là người gắn bó, trăn trở với việc bảo vệ rừng ở Kon Tum, ông Phan Đình Nhã, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển, cho biết việc giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý bảo vệ là một hướng đi đúng để giữ rừng: “Trước đây, chưa giao quyền thì họ vẫn tự nguyện bảo vệ những khu rừng này nhưng mà hiệu lực chỉ gói gọn trong cộng đồng chứ còn đối với người ngoài là rất khó, vì mặt pháp lý là họ không có quyền. Khi mà họ có được quyền rồi họ rất tự tin. Đầu tiên tôi xử luật làng, rồi tôi báo với xã, báo với chính quyền thì nó đủ gọi là gậy pháp luật. Đảm bảo quyền cho họ thì họ vừa lồng ghép luật tục vừa lồng ghép luật pháp thì họ sẽ bảo vệ được rừng”.

 

Hiện tại, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập bình quân mỗi năm của một hộ gia đình tham gia quản lý bảo vệ rừng đạt từ 4-6,5 triệu đồng. Đối với cộng đồng từ 18-43 triệu đồng. Cuộc sống của người dân, của cộng đồng gắn bó với rừng được cải thiện là cơ sở vững chắc để việc quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả tốt hơn.

 

 

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC