Hưởng 20 nhóm chính sách đầu tư, nghèo vẫn nghèo
Thứ năm, 00:00, 10/11/2016 Hòa - CT Hòa - CT

(VOV4) - Mỗi năm,chính phủ dành ra hàng ngàn tỷ đồng để triển khai cùng lúc hàng chục chương trình hỗ trợ và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án hỗ trợ, nhiều đầu mối quản lý đã khiến các chương trình chồng chéo trong khâu thực hiện, khó quản lý, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

 

Theo rà soát của Uỷ ban Dân tộc, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số đang được hưởng 20 nhóm chính sách với hơn 50 chương trình cụ thể. Nếu như tính trung bình, thì cùng 1 lúc mỗi xã triển khai khoảng 20-30 chính sách khác nhau. Bà con được hỗ trợ nhiều như vậy nhưng sản xuất, tức là kế sinh nhai của bà con, thì lại chưa được đầu tư xứng đáng.

 

 

Nghèo vẫn hoàn nghèo

 

 

Gia đình ông Thò Bá Xểnh, ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An, mấy năm trở lại đây nhận được hỗ trợ của 4 chính sách khác nhau: chương trình 167 hỗ trợ làm nhà, chương trình 135, hỗ trợ tiền kéo điện - tiền học cho các con, tiền hỗ trợ trực tiếp từ chương trình 102, nhưng cái gốc của đói nghèo là đất sản xuất và kiến thức về sản xuất thì ông lại chưa nhận được.

 

"Kiếm cái ăn hàng ngày vẫn khó khăn lắm. Trước gia đình được hỗ trợ 1 con bò, nhưng bị dịch bệnh chết, trồng cây gì cũng không được" - ông Xểnh nói.

 

Bản Mường Lống, bà con dân tộc Mông chiếm 97% dân số. Các hộ nghèo trong bản được khá nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng vẫn còn tới hơn 80% hộ chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo. Bà con vẫn duy trì phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu.

 

Hỗ trợ bò giống cho người dân.  Ảnh: baonghean

 

Qua khảo sát cho thấy: tỷ lệ hộ nghèo những năm qua giảm nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo ở vùng dân tộc thiểu số khá cao. Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng chính sách đặt ra mục tiêu rất cao. Quá nhiều chỉ tiêu đưa ra nhưng vốn đầu tư hỗ trợ thấp và không tương thích với thời gian thực hiện. Một nguyên nhân khác là do năng lực hạn chế của cán bộ cấp xã - những người trực tiếp triển khai các dự án và chương trình. Đó là chưa kể đến bất cập: mỗi chính sách một cơ chế khác nhau, nên rất khó lồng ghép.

 

Theo ông Cư: "Quan trọng là chúng ta chưa khơi dậy được tinh thần tự lực của nhân dân để tham gia thực hiện chính sách đầu tư tại địa bàn. Sự cào bằng về mức hỗ trợ cho tất cả các dân tộc ở các vùng miền cũng đang là vấn đề dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc. Trong khi trên thực tế, mức độ khó khăn khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, phong tục tập quán và phương thức canh tác khác nhau, nhưng chương trình hỗ trợ đầu tư nào khi ban hành cũng lại thực hiện theo mẫu số chung cho 53 dân tộc".

 

 

Chính sách đầu tư thời gian tới cần thực hiện theo hướng nào?

 

 

Bà Hồ Thị Minh, Trưởng Ban tuyên giáo huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, cho rằng, giải pháp từ chính sự thay đổi trong nhận thức của bà con: "Chúng ta không thể trông chờ mãi vào các chính sách, quan trọng là phải để bà con nhận thức được phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Bà con phải thay đổi về nhận thức, còn cho mấy cũng hết".

 

Người dân phải tự chủ mới mong thoát nghèo. Ảnh: baomoi.com

 

Ông Quàng Văn Hương, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho rằng, các địa phương cần tập huấn lại lần 2, lần 3, thậm chí, đưa người dân ra học ở bờ ruộng, bờ nương qua những mô hình cụ thể, để hướng dẫn kiến thức cho bà con, chứ không nhất thiết tập trung cả hội trường đông đủ.

 

Ở khía cạnh khác, tình trạng "giẫm chân nhau" khi triển khai các chính sách dân tộc giữa các bộ, ngành đang là yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện và mục tiêu của các chính sách. Theo bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Ðiều phối viên Chương trình vận động chính sách và truyền thông của Tổ chức Oxfam, việc tiếp cận các chính sách phải nhìn từ sự khác biệt về bản chất nghèo của các vùng miền, các nhóm dân cư khác nhau. Có như vậy mới phân định rõ được các chương trình dự án. Đồng quan điểm này, ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cho rằng cần phân cấp trao quyền mạnh hơn nữa cho địa phương để khai thác nội lực của người dân.

 

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đề xuất Chính phủ triển khai kế hoạch tăng nguồn vốn cho vay qua Ngân hàng chính sách xã hội; nâng định mức cho vay từ 8 triệu đồng/hộ lên 15-20 triệu đồng/hộ; nâng định mức hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 15 triệu lên 20-30 triệu đồng; mở rộng phạm vi địa bàn thực hiện ngoài khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 54). Bên cạnh đó, sẽ tăng thêm dư nợ tín dụng hộ nghèo, mở rộng đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ cận nghèo hoặc hộ mới thoát nghèo, để các đối tượng này có thể thoát nghèo bền vững.

 

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, UBDT đề xuất 9 chính sách với tổng kinh phí dự kiến là gần 50 nghìn tỷ đồng, đồng thời đề xuất xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách hết hiệu lực sau năm 2015. UBDT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất những chính sách này cũng như phải rà soát lại các đối tượng được thụ hưởng chính sách, để không bị chồng chéo.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng các chính sách nhằm đẩy mạnh sự phát triển vùng dân tộc, cần bảo đảm sự tham gia phối hợp và giám sát của Ủy ban Dân tộc; phân bổ nguồn lực cho các địa phương, cần ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; bố trí kinh phí phù hợp, không để người dân nghèo phải đóng góp.

 

 

Thu Hòa/VOV4

Hòa - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC