Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau
Thứ tư, 00:00, 11/01/2017

(VOV4) - Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại ở phía sau trên con đường phát triển, là mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Năm 2016, công tác giảm nghèo hiệu quả ra sao; giai đoạn tới chương trình sẽ có điểm gì mới? Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH:


 

Ông Ngô Trường Thi: - Năm 2016 là năm đầu tiên của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Mặc dù trong năm qua chúng ta gặp rất nhiều những khó khăn thách thức do thiên tai, nhân tai xảy ra trên diện rộng, cơ bản đời sống người nghèo ổn định. Vừa qua, chúng tôi tổ chức rà soát, đánh giá mục tiêu giảm nghèo của năm 2016, sơ bộ thì thấy rằng tỷ lệ nghèo đã giảm so với năm 2015 khoảng trên 1%, thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

 

Trong năm 2016 vốn bố trí chương trình giảm nghèo cơ bản vẫn được thực hiện cho chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở... Vốn đầu tư cho chương trình quốc gia giảm nghèo mặc dù mới phê duyệt vào tháng 9 nhưng Quốc hội và Chính phủ ứng trước nguồn khoàng 6,7 nghìn tỷ để thực hiện các dự án như hỗ trợ cho những huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, các chính sách hỗ trợ sản xuất.

 

PV: - Các dự án, các mô hình giảm nghèo cùng những sáng kiến giảm nghèo được đánh giá cao trong thời gian qua, sẽ được nhân rộng với cách thức như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

 

Ông Ngô Trường Thi: - Năm 2017, chúng tôi sẽ chỉ đạo tất cả các địa phương, chứ không còn hỗ trợ nhỏ lẻ. Chúng tôi đang có ý định từ kết quả của cuộc thi phát huy sáng kiến giảm nghèo bền vững, sẽ nhân rộng ra cho địa phương. Một số địa phương đã đề nghị chúng tôi rồi, chúng tôi hỗ trợ về cách làm thôi.

 

Đây là cuộc thi nhưng bản chất của nó là phát hiện các mô hình, cách làm hay để nhân rộng. Với cách làm như thế này, đặc biệt sự tham gia của các đối tác, các tổ chức, các doanh nhân, các nhà khoa học cũng rất thích bởi họ thấy cũng là lợi ích của mình, bởi vì khi kết nối được nhóm này, người ta có được một nguồn sản phẩm ổn định để tiêu thụ.

 

Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: baomoi.com

 

PV: - Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong những năm tiếp theo có những điểm gì nổi bật; nguồn vốn cho chương trình sẽ được phân bổ ra sao và tập trung vào những vấn đề gì?

 

Ông Ngô Trường Thi: - Về mặt cơ chế thì có sự thay đổi hoàn toàn. Thay vì áp đặt từ trên xuống như trước đây thì sắp tới phân cấp mạnh cho địa phương. Các địa phương biết được trong 5 năm tới mình được bố trí bao nhiêu tiền đểchủ động xây dựng kế hoạch. Đẩy mạnh trao quyền cho cộng đồng, đây là điểm rất mới, trước đây chúng ta cứ nghĩ cộng đồng không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân, nhưng hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã cho phép, kể cả trong đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế rút gọn hơn.

 

Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta chỉ còn hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Chính phủ đã quyết định chỉ có một ban chỉ đạo chung cho cả hai chương trình. Cái này thống nhất cả địa phương, thực hiện một cơ chế thống nhất, một cách làm thống nhất và có sự điều hành thống nhất

 

PV: -  Chương trình quốc gia giảm nghèo có tính tới kế hoạch đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa để tăng nguồn lực và hiệu quả không, thưa ông?

 

Ông Ngô Trường Thi: - Quan điểm chung nhất mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, giảm nghèo là trách nhiệm chung của xã hội, nhưng Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo. Tổng vốn mà Quốc hội đã phê duyệt cho chương trình giai đoạn 2016-2020 khoảng 48 nghìn tỷ, trong đó ngân sách trung ương bố trí là 41.100 tỷ. Ngoài ra thì huy động thêm nguồn của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó,  chúng ta có các nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, có nguồn lực của chính người nghèo.

 

Người nghèo tham gia dự án thì phải có một phần đối ứng thấp nhất là 10%. Không phải là vì chúng ta thiếu tiền, mà đây là một phần tăng thêm sự đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo, tăng trách nhiệm của đối tượng trong sử dụng vốn thay vì cấp cho toàn bộ.

 

Một đóng góp nữa trong xây dựng cơ bản, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thôi, còn lại phải huy động đóng góp của chính người dân nhưng với nguyên tắc không huy động đóng góp bằng tiền đối với người nghèo, mà người dân có thể đóng góp bằng sức lao động, hiến đất, đóng góp bằng khai thác nguyên vật liệu tại chỗ như sỏi cát để xây dựng công trình.

 

Chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện rất rõ trong cả hai chương trình. Làm sao khơi dậy được ý thức trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng phải rõ ràng, minh bạch, tránh mập mờ, tránh tình trạng đầu tư không đúng.

 

PV: - Có một thực tế là những hộ cận nghèo không được hưởng một số chính sách như các hộ nghèo, trong đó có việc không có bảo hiểm y tế, nên khi ốm đau rất dễ tái nghèo. Chương trình quốc gia giảm nghèo có chính sách gì hỗ trợ những hộ cận nghèo, nhất là về vấn đề bảo hiểm y tế để các hộ đó có thể thoát nghèo bền vững không?

 

Ông Ngô Trường Thi: - Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn nhất tham gia bảo hiểm y tế. Đối với hộ nghèo, đã hỗ trợ 100% rồi, hộ cận nghèo thì 70%. Đối với hộ cận nghèo ở các địa bàn ở huyện nghèo thì được hỗ trợ 100%. Đối với hộ mới thoát nghèo trong vòng 5 năm thì tiếp tục được hỗ trợ BHYT. Hơn 30 tỉnh đã dùng cả ngân sách địa phương hỗ trợ bổ sung đủ 100% cho hộ cận nghèo.

 

Chúng tôi cho rằng không phải vấn đề là những đối tượng này là có BHYT hay không mà họ đã có rồi, thậm chí Nhà nước còn có chính sách đối với hộ có mức sống trung bình làm nông lâm ngư nghiệp thì được hỗ trợ 30% BHYT, nhưng quan trọng nhất làm sao mà những đối tượng yếu thế khi ốm đau có thể được khám chữa bệnh.

 

Tôi thấy là có hai việc mà chúng ta phải quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Đó là tuyên truyền người dân trong sử dụng BHYT. Để người dân tham gia BHYT tốt hơn, nhiều hơn, phải nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, để người dân yên tâm khi có BHYT sẽ được chăm sóc sức khỏe chu đáo, tận tình.

 

PV: - Xin cảm ơn ông!

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC