Làm gì để học sinh chọn học tiếng dân tộc thiểu số?
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường không còn là vấn đề mới, nhưng khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định đưa môn này trở thành môn học tự chọn xuyên suốt từ lớp 1 đến hết cấp 3 trong năm học tới đây, thì lại nảy sinh nhiều vấn đề.

 

Nếu như tiếng dân tộc thiểu số được phân vào dạng môn học tự chọn ở cấp tiểu học, thì ở cấp THCS và THPT, môn này được mở rộng phạm vi lựa chọn cùng với môn Ngoại ngữ 2. Như vậy, nhiều khả năng môn Tiếng dân tộc thiểu số sẽ không được các em học sinh dân tộc thiểu số lựa chọn trong chương trình học các cấp.

 

Khó lựa chọn tiếng dân tộc thiểu số

 

Nhiều người làm công tác giáo dục lo lắng rằng việc đặt ra sự lựa chọn giữa một bên là tiếng dân tộc thiểu số, một bên là ngoại ngữ 2 là một bài toán khó đối với cả người dạy và người học. Bởi thực tế cho thấy tiếng dân tộc thiểu số ít được lựa chọn hơn.

 

Ví dụ cụ thể từ Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Gia Lai. Năm học 2008-2009, gần 7.000 học sinh được học tiếng Gia rai và gần 760 em được học tiếng Ba-na. Con số này tăng lên hàng năm và đến năm học 2012-2013 đã có 106 trường tiểu học lựa chọn giảng dạy, với gần 10.000 ngàn học sinh dân tộc Gia rai và gần 2 ngàn học sinh dân tộc Ba-na được học tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, đến năm học 2013-2014, nhiều trường thay thế môn Tiếng dân tộc bằng môn Anh văn nên con số 106 giảm xuống còn 98 trường, giảm tiếp còn 89 trường trong năm học 2014-2015.

 

Lý giải về điều này, ông Kpă Pual-Trưởng ban Giáo dục Dân tộc-Sở Giáo dục đào tạo Gia Lai, chỉ rõ: nguyên do lớn nhất là lực lượng giáo viên dạy tiếng dân tộc còn quá mỏng, cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Tỉnh có gần 100.000 học sinh Gia rai (chiếm khoảng 30% HS phổ thông toàn tỉnh), nhưng chỉ có 244 giáo viên dạy tiếng Gia rai. Học sinh Ba-na chiếm khoảng 11%, nhưng chỉ có 32 giáo viên dạy tiếng Ba-na. Theo nhu cầu thực tế, Gia Lai cần bổ sung gấp đôi số giáo viên.

 

Một giờ học tiếng Gia rai của học sinh trường tiểu học Lý Tự Trọng. Ảnh: baogialai.com.vn

 

Đây cũng là khó khăn chung của ngành giáo dục các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thách thức không nhỏ khác là một số thứ chữ dân tộc thiểu số chưa đạt được sự đồng thuận về các mẫu chữ và bộ chữ… dẫn đến chất lượng, hiệu quả dạy và học trong nhà trường còn thấp. Ví dụ, việc đưa chữ Mông vào dạy và học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước đến nay là chữ Mông Việt Nam (hay còn gọi là chữ Mông Lào Cai). Tuy nhiên, ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên… đồng bào lại có nguyện vọng, nhu cầu học chữ Mông quốc tế.

 

Bên cạnh đó, một khó khăn không dễ vượt qua là việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở một số nơi chưa nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Thậm chí có cả những nhận thức rằng, nếu con em mình nói tiếng dân tộc thường xuyên, dễ dẫn đến tình trạng hạn chế học tập hoặc gặp khó khăn khi hoà nhập với môi trường đô thị. Cũng có người khi giao tiếp đã cố tình không dùng tiếng của dân tộc mình vì sợ bị kỳ thị...

 

Làm gì để học sinh lựa chọn học tiếng mẹ đẻ?

Bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách DT (Ủy ban Dân tộc), nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất để các em lựa chọn học tiếng dân tộc mình là làm sao phát huy và bồi dưỡng cho các em tình yêu với tiếng mẹ đẻ, thấy được trách nhiệm giữ gìn cái hay cái đẹp, giữ gìn nét bản sắc trong ngôn ngữ quê hương.

 

 

Một lớp dạy học tiếng Chăm trong trường học. Ảnh: baomoi.com

 

Gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Chăm gần 20 năm nay, cô giáo Đặng Thị Mỹ Lương - trường PTTH huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho rằng giáo viên nhiệt tình thì học sinh sẽ đam mê. Người dạy phải thực sự tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số.

 

Tại Gia Lai, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thí điểm áp dụng mô hình học lớp 1 có trợ giảng, cho học sinh giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ là chủ yếu. Lớp học được trang trí mang bản sắc dân tộc, cô giáo sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của học sinh, những bài hát, bài thơ lấy từ kho tàng dân gian mang đặc trưng dân tộc do các nghệ nhân tìm kiếm giúp... Đây là cách để học sinh hứng thú, gắn bó với bạn bè, cô giáo trước khi khai phá lĩnh vực mới mẻ là tiếng Việt và các môn học chung.

 

Tuy nhiên, chỉ đam mê thôi chưa đủ. Ông Kpă Pual cho rằng những trường có đông học sinh dân tộc thiểu số thì nên ưu tiên tiếng dân tộc làm môn học tự chọn vì nếu cho các em học môn Anh văn, cùng một lúc các em phải học 2 ngôn ngữ. Bắt đầu từ năm học 2015-2016, để tạo điều kiện cho các trường trong việc chọn môn Tiếng dân tộc làm môn học tự chọn, Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai  đã quyết định điều chỉnh chương trình để rút số tiết dạy môn học này xuống còn 2 tiết/tuần, bằng số tiết của tiếng Anh.

 

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều loại chữ viết ở các địa phương, UBND các tỉnh thành cần khảo sát một cách toàn diện (về độ tuổi, nghề nghiệp, thành phần xã hội…) để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và quyết định đưa loại chữ viết nào vào dạy và học có hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của đa số đồng bào. “Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn”.

 

Để khắc phục tình trạng lực lượng dạy tiếng dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã yêu cầu các trường Sư phạm khẩn trương hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trình độ cao đẳng và đại học. Bộ cũng đã ban hành 4 chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm, tiếng Gia rai và tiếng Mông trình độ đại học.

 

Ông Trần Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết: Bộ đang chỉ đạo các địa phương đã có tiếng nói và chữ viết thì tiếp tục triển khai hình thành các bộ sách và xây dựng các chương trình, tiến hành cho thí điểm. Sau khi có chương trình sách giáo khoa mới, Bộ sẽ đưa tiếng dân tộc trở thành bộ môn tự chọn và dạy trong khoảng từ lớp 3 đến lớp 9, tùy theo điều kiện của từng nơi, để các em ngoài việc nắm vững tiếng Việt để học tập thì vẫn sử dụng tiếng dân tộc để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC